Tạo sức sống mới cho nền kinh tế
Theo TS. Trần Du Lịch - đại biểu Quốc hội Khóa IX, XII và XIII, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội vừa thông qua được thực thi trong 2 năm nhưng tác động là cho trung và dài hạn. Nếu chúng ta phục hồi được hệ thống doanh nghiệp và toàn bộ hạ tầng kinh tế sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.
Tăng đầu tư công, kích thích tổng cầu nền kinh tế
Phóng viên: Thưa ông, để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, Quốc hội Khóa XV vừa tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về kỳ họp đặc biệt này?
TS. Trần Du Lịch: Đây là kỳ họp với nhiều nội dung hết sức quan trọng, không chỉ phục vụ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025, được cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Để góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hệ quả của đại dịch Covid-19, tại kỳ họp, Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư, phát triển.
Tôi đánh giá cao việc Quốc hội thông qua "một luật sửa 9 luật" để giải quyết những vấn đề căn cơ, bất cập của luật pháp liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là sự tháo gỡ căn bản về thể chế. Trên cơ sở đó, các văn bản pháp quy khác của Chính phủ sẽ điều chỉnh, tạo thuận lợi tốt hơn cho môi trường sản xuất, kinh doanh. Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường… Đáng lưu ý, Luật đã tháo gỡ các thủ tục, điểm nghẽn trong hấp thụ nguồn vốn cũng như trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động kinh tế hiện nay.
Quốc hội cũng thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, góp phần hoàn thành một cách cơ bản hệ thống giao thông đường bộ Bắc - Nam. Qua đó, sẽ góp phần giảm chi phí logistics vốn còn cao ở nước ta.
Phóng viên: Với nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến nói rằng, đây là quyết định mang tính lịch sử, bởi đây có lẽ là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một "gói chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lớn như vậy, khoảng 350 nghìn tỷ đồng... thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Quốc hội đã cho phép sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định tăng đầu tư công trong năm 2022, sử dụng công cụ đầu tư, kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Tiếp tục miễn giảm các loại thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Trong "gói hỗ trợ" Quốc hội thông qua lần này, vai trò quan trọng là sử dụng công cụ tín dụng, như yêu cầu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Gói hỗ trợ cũng đầu tư cho ngành y tế, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19; tiếp tục triển khai thực hiện các gói an sinh xã hội.
Có thể nói, luật và các nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã chú trọng giải quyết bằng được những vấn đề mang tính tổng thể của nền kinh tế - xã hội. Các giải pháp có quan hệ mật thiết với nhau, tương đối đồng bộ. Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ thực thi, đồng thời cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền…
Tác động cho trung và dài hạn
Phóng viên: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành trong 2 năm. Điều này đặt ra nhiều thử thách, đòi hỏi quyết tâm rất lớn để chính sách đạt được hiệu quả một cách thực chất, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, nghị quyết này sẽ không chỉ có tác dụng trong 2 năm thực thi, mà còn để xử lý những yếu kém, tăng cường năng lực, hạ tầng của nền kinh tế, tạo sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Nói đúng hơn, thực thi trong 2 năm, nhưng tác động là cho trung và dài hạn. Nếu chúng ta phục hồi được hệ thống doanh nghiệp và toàn bộ hạ tầng kinh tế sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững, tạo nên sức sống mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, gói giải pháp này cũng đặt ra vấn đề về bội chi ngân sách, gây nguy cơ tăng nợ xấu, lạm phát. Nếu thực thi chính sách không tốt, không hiệu quả, sẽ là “con dao hai lưỡi”, gây ra những tác động tiêu cực. Quốc hội đã làm rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, quyết định chính sách đúng và trúng, vấn đề là Chính phủ phải thực thi để đưa chính sách đến đúng đối tượng, hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, hay tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Phóng viên: Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, của cuộc sống. Ông bình luận gì về quan điểm này?
TS. Trần Du Lịch: Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ; trường hợp Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu, thì Quốc hội họp bất thường. Trên thực tế cho thấy, có những vấn đề cuộc sống đòi hỏi cần phải giải quyết ngay, Quốc hội hoàn toàn có thể tổ chức thêm các kỳ họp, “bất thường” hiểu theo nghĩa không nằm trong hai kỳ họp thường lệ mỗi năm.
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV chưa từng có trong tiền lệ, nhưng cấp thiết phải tổ chức ngay, tạo khí thế mới, thời cơ mới. Với ý nghĩa như vậy, thì "bất thường" ở đây có thể hiểu là hoạt động "bình thường" của Quốc hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!