Tín hiệu vui từ nhóm hàng xuất khẩu đầu năm
Theo Bộ Công Thương, trong những nhóm hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng tốt - nhóm những sản phẩm xuất khẩu mang tính nền tảng như nông, lâm, thủy sản dự báo sẽ còn tốt hơn nữa trong năm 2025.
Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam, ảnh: TV
Về đích với kỷ lục vượt 400 tỉ USD trong năm 2024, bước sang năm 2025, xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam. Bộ Công Thương dự báo: Lạm phát ở nhiều thị trường giảm, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng sẽ giúp gia tăng kim ngạch và duy trì xuất siêu của nước ta. Trong những tuần đầu năm mới, cũng là dịp cận Tết nguyên đán tại các doanh nghiệp xuất khẩu, tình hình đơn hàng và sản xuất đang cho thấy có nhiều thuận lợi, tạo khí thế và lực đẩy cho hoạt động của năm nay.
Toàn ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm khoảng 47 - 48 tỉ USD, ảnh: TV
Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý 2 năm nay. Với việc Tết Nguyên đán đang đến gần, để kịp tiến độ giao hàng và đảm bảo thời gian nghỉ tết. Doanh nghiệp cũng sắp xếp công nhân tăng gia sản xuất.
Toàn ngành đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm khoảng 47 - 48 tỉ USD. Để tiến tới kết quả này, dệt may Việt Nam trong năm 2025 sẽ phải đảm bảo vững cả 2 yếu tố: chất lượng và giá cả.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "Phải chủ động trong tất cả tình huống xử lý kịp thời những yêu cầu của sự thay đổi của người mua hàng, của nhãn hàng và đặc biệt là chất lượng sản phẩm của dệt may Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Chúng ta phải đưa ra cam kết để làm sao chúng ta vẫn thực hiện đơn hàng nhưng không làm tăng chi phí của đơn hàng làm áp lực lên giá thành sản phẩm".
Còn, tại những doanh nghiệp chế biến nông sản đã nhìn thấy điều kiện thị trường thuận lợi trong năm nay, không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư chế biến các sản phẩm trái cây từ nha đam và thạch dừa sang thị trường Đông Á, dự kiến năm 2025 năng lực sản xuất sẽ tăng lên gấp đôi.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ tăng 21,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với năm trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố trồng điều, với tổng diện tích lên tới hơn 300.000 ha. Trong đó, Bình Phước là tỉnh trồng nhiều cây điều nhất Việt Nam, với diện tích lên tới hơn 150.000 ha. Nơi đây có điều kiện thổ thưỡng phù hợp, đất màu mỡ… dễ dàng giúp cây điều sinh trưởng, phát triển, cho ra hạt tốt và sản lượng thu hoạch cao.
Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định: Nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn nhiều khả năng sẽ vẫn có xu hướng tăng trong những năm tới, tạo dư địa xuất khẩu cho các nhà cung ứng Việt Nam.