Lý do ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động
Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng mạnh dịp cuối năm, nhất là vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 6,4%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng mạnh dịp cuối năm, nhất là vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 6,4%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Tính từ đầu tháng 11, có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Hôm nay (23/11), Ngân hàng Eximbank vừa tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên mức 5,6%/năm. Thậm chí, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 15 tháng còn tăng mạnh hơn với mức tăng 0,6%/năm lên 6,3%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm lên mức 6,4%/năm.
Ngân hàng Nam Á Bank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 3 tháng, ở mức 4,7%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động của Bắc Á Bank cao nhất thị trường, 5,6%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng Saigonbank, ABBank... huy động với lãi suất cao nhất 5,8%/năm và 24 tháng là Bắc Á Bank với lãi suất 6,35%/năm.
Đề cập tới làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS cho biết: “Không riêng tháng 11, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay khi tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn”.
Theo chuyên gia của MBS, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,08%, cao hơn so với mức 7,4% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1-5,2%/năm vào cuối năm nay.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tính đến hết tháng 9, tín dụng toàn hệ thống đạt 14,7 triệu tỷ đồng, trong khi huy động vốn chỉ đạt 14,5 triệu tỷ đồng (tín dụng cao hơn huy động vốn 200.000 tỷ đồng). Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng mạnh vào cuối năm, ước đạt 15% cả năm. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, tín dụng tăng khoảng 2%/tháng, đồng nghĩa hơn nửa triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.
Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ nay đến cuối năm nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
“Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần rất nhiều tiền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu hàng hoá trong nước và nước ngoài. Đây là hoạt động rất sôi động và là những điểm sáng của nền kinh tế”, ông Hiếu cho hay.
Ô ng Hiếu cho rằng, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính. Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.