Kết nối Việt Nam và thế giới, để cơ hội kinh doanh sinh sôi
Với dân số khoảng 100 triệu người như hiện nay, Việt Nam là một trong năm quốc gia hàng đầu ở châu Á được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất về thị trường tiêu dùng.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam
Với dân số đang phát triển, trẻ trung và trên đà kết nối số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang nổi lên như một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Mười quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là quê hương của tổng cộng 660 triệu người dân và đang tạo nên nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Trong khi tăng trưởng ở nơi khác hạ nhiệt, ASEAN vẫn giữ vững phong độ, dự kiến đạt 4,6% trong năm 2023 và sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Được biết đến là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam nổi lên trong nhóm những nước có tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN bởi sự kiên cường của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Sự kiên cường này chính là một trong những điểm hấp dẫn doanh nghiệp quốc tế đến đây mở rộng kinh doanh hoặc tìm hiểu thị trường. Giờ đây, khi giai đoạn khó khăn nhất đã nằm lại sau lưng, Việt Nam còn có thể làm gì hơn nữa để duy trì vị thế điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư trên khắp thế giới?
Sức mạnh của thương mại tự do
Thương mại phi thuế quan từ lâu đã là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam. Nhờ tham gia vào một loạt hiệp định thương mại tự do (free trade agreement - FTA) quan trọng, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới. Những FTA này hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của khối doanh nghiệp cũng như cho chính đất nước Việt Nam.
Với một thị trường gần 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP) là một bước đi quan trọng đối với Việt Nam. Chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2018, CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên và trao cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận những thị trường mới như Canada, Mexico và Peru. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,3% và xuất khẩu tăng 4,04%, tạo ra 20.000-26.000 việc làm mới bình quân mỗi năm.
Mặt khác, doanh nghiệp ở các nền kinh tế CPTPP khác như Vương quốc Anh cũng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến gã khổng lồ ngành dược có trụ sở chính tại Anh, AstraZeneca, hợp tác cùng chính phủ Việt Nam trong phòng chống và kiểm soát bệnh tật, nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm và phát triển hệ thống y tế bền vững.
Theo khảo sát HSBC Global Connections (tiến hành trong tháng 7-8/2023 với hơn 3.500 doanh nghiệp có trụ sở chính tại 9 thị trường), 67% công ty quốc tế có ý định tận dụng CPTPP, tăng so với 55% trong năm 2022. Tương tự, 66% dự định sử dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) so với 53% trong năm 2022.
Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022, RCEP cũng quan trọng không kém đối với Việt Nam, xóa bỏ thuế quan trong một số lĩnh vực, trong đó những ngành được hưởng lợi nhất bao gồm ăn uống, xăng dầu, thịt… RCEP không chỉ mang lại thêm nhiều cơ hội thương mại cho Việt Nam mà còn củng cố vị thế của Việt Nam là trung tâm sản xuất ở châu Á. Nghiên cứu của HSBC cho thấy doanh nghiệp từ Trung Quốc đại lục (80%) là nhóm quan tâm tận dụng RCEP nhất, sau đó tới nhóm doanh nghiệp từ Australia (74%).
Trong khi các công ty ở châu Á – Thái Bình Dương coi RCEP là một hiệp định có lợi, nhóm doanh nghiệp Pháp lại đặc biệt quan tâm tới quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. Xét trên tổng thể, 63% công ty tham gia khảo sát của HSBC có ý định tận dụng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EU-Vietnam Free Trade Agreement) có hiệu lực từ tháng 8/2020 với mục tiêu xóa bỏ 90% thuế quan và giảm bớt những rào cản thương mại song phương. Sự quan tâm mạnh mẽ đối với các FTA Việt Nam tham gia cho thấy tầm quan trọng của quốc gia này trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Một câu chuyện tiêu dùng đầy hứa hẹn
Các công ty quốc tế tham gia vào khảo sát của HSBC thống nhất chọn mức lương cạnh tranh và lực lượng lao động có tay nghề là những đặc điểm hấp dẫn của Việt Nam để mở rộng kinh doanh. So với những quốc gia khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam có lực lượng lao động tương đối trẻ trung hơn, với mức lương hợp lý rõ ràng rất hấp dẫn với các nhà sản xuất toàn cầu. Và đó chưa phải là tất cả.
Với dân số khoảng 100 triệu người như hiện nay, Việt Nam là một trong năm quốc gia hàng đầu ở châu Á được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất về thị trường tiêu dùng. Theo World Data Lab, chỉ tính riêng năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và tới năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Hiện tại, tầng lớp trung lưu cao (gồm các cá nhân có thu nhập trong khoảng 50-110 USD/ngày) ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng bình quân 17% mỗi năm cho tới cuối thập kỷ này. Việt Nam hội đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 toàn cầu, lớn hơn cả Đức hoặc Anh.
Một nền dân số lớn gồm những người tương đối trẻ có mức chi tiêu bình quân hàng tháng trên đầu người tăng 74% trong giai đoạn 2021-2022 hỗ trợ rất lớn cho câu chuyện tiêu dùng của Việt Nam. Ngay cả đại dịch Covid cũng không làm khó được Việt Nam khi quốc gia này chứng kiến tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, trong đó, doanh thu bán lẻ cao hơn so với mức trước dịch khoảng 20% giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế nằm trong top hai ASEAN dẫn đầu về mức độ phục hồi bán lẻ.
Năm 2023, Việt Nam chứng kiến một loạt nhà bán lẻ như Lotte, Central Group hay Aeon Mall khai trương trung tâm thương mại và siêu thị mới. Số lượng cửa hàng bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi cũng gia tăng nhanh chóng, thay đổi hoàn toàn cách người dân mua sắm và thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ. Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm nay tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công thương kỳ vọng tới năm 2025 thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt quy mô 350 tỷ USD.
Kết nối số
Trong năm 2023, 23% những người nắm quyền quyết định ở doanh nghiệp nói rằng nền kinh tế số đang phát triển chính là nguyên nhân thu hút họ đến Việt Nam, nơi cơ sở hạ tầng số đang mở rộng nhanh chóng. Sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam chính là hậu thuẫn lớn cho phát triển hạ tầng số như đặt ra trong dự thảo Chiến lược Hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là đến năm 2025 lọt vào top 50 nước về chỉ số phát triển công nghệ thông tin và đến năm 2030 lọt top 30 về chỉ số phát triển hạ tầng số.
Insider Intelligence dự báo tới năm 2026, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh của Việt Nam sẽ đạt 67,3 triệu, chiếm 96,9% số lượng người sử dụng internet. Chính lực lượng dân số am hiểu công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho thương mại điện tử của Việt Nam vốn tăng trưởng 20% trong năm 2022. Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), ngành này được dự báo sẽ đạt mức doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tương đương mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tham vọng bền vững
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm bốn quốc gia sử dụng và phụ thuộc nhiều nhất vào than đá trên thế giới theo Coal Transitions Exposure Index (Chỉ số mức độ cần chuyển dịch khỏi than đá) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency). Công bố của chính phủ Việt Nam về mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050 cũng là quyết định hợp lý nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng vì ngành này chiếm hơn một nửa lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Bản thân cam kết mạnh mẽ này cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam cũng như nhà đầu tư quốc tế.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành điện tới năm 2030 dự kiến lên đến 134,5 tỷ USD. Khoản đầu tư cho chuyển dịch năng lượng thậm chí còn lớn hơn. Việt Nam công bố tham gia Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP) vào tháng 12 năm ngoái. Thỏa thuận này kỳ vọng sẽ huy động 15 tỷ USD nhằm hỗ trợ tham vọng của Việt Nam, giúp giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư và đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh.
Không chỉ các công ty đang hoạt động tại Việt Nam có ý thức về các vấn đề ESG và đầu tư vào bền vững, ngay cả những doanh nghiệp chưa có hiện diện tại đây cũng đang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này. Đầu tháng 11, Phái đoàn Năng lượng Vương quốc Anh gồm 14 doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác mở ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Họ đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên nhằm mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lời kết
Trong gần nửa thập kỷ qua, khi đảm nhiệm công việc hiện tại cũng như những vị trí trước đây, tôi được chứng kiến Việt Nam trải qua những thăng trầm. Tôi nhận thấy một điều là đứng trước bất kỳ thử thách nào, Việt Nam cũng sẽ luôn vươn lên. Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid, tôi thật sự ấn tượng với sự kiên cường phi thường của người dân nơi đây và chính sự kiên cường này được thể hiện rõ rệt trong nền kinh tế nói chung. Tại các thị trường trong mạng lưới toàn cầu của HSBC, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp vẫn rất hào hứng với những cơ hội Việt Nam mang đến. Dữ liệu từ khảo sát HSBC Global Connection gần đây lại càng củng cố cho quan sát của chúng tôi: 53% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam ưu tiên tăng trưởng trong vòng hai năm tới. Đối với nhóm doanh nghiệp chưa có hoạt động tại Việt Nam, họ cũng rất quan tâm đến việc tham gia vào câu chuyện phát triển của Việt Nam.
Tình hình hiện tại có thể có đôi chút khó khăn nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam vẫn luôn thể hiện khả năng phục hồi và tái thiết đáng nể. Con người Việt Nam có ý thức dân tộc mãnh liệt và tinh thần bền bỉ ăn sâu trong máu. Chính tinh thần này sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức ngắn hạn trước mắt và đất nước cùng con người Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tốt để nắm bắt những cơ hội mở ra khi môi trường kinh tế toàn cầu chuyển biến theo hướng thuận lợi hơn.