A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hàng loạt thị trường thêm "rào cản" với hàng nhập khẩu

Hàng loạt thị trường thêm "rào cản" với hàng nhập khẩu

 

Nhiều thị trường nâng tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu (Ảnh: Cấn Dũng)

Nhiều thị trường nâng tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu (Ảnh: Cấn Dũng)

Các thị trường nâng tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2024 đạt kỷ lục mới với 786,3 tỷ USD. So với năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng hơn 105 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%; nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%.

Nhờ một phần vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các khung khổ hội nhập mà Việt Nam tham gia, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều thị trường có sự khởi sắc trong năm 2024.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang nhiều thị trường đang đối diện với những rào cản mới mà doanh nghiệp buộc phải đối diện để vượt qua. Đơn cử, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Vương quốc Anh là một trong những thị trường xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm lớn của Việt Nam. Xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Anh tăng trưởng khả quan, bất chấp không ít thách thức.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sang Anh tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cà phê là mặt hàng có xuất khẩu lớn nhất, đạt 24,05 nghìn tấn trong 10 tháng đầu năm 2024 với trị giá 108,2 triệu USD, giảm 23,4% về lượng, nhưng tăng 29,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu hạt điều đạt 17,03 nghìn tấn, trị giá 87,3 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 10% về trị giá. Xuất khẩu hàng rau, quả đạt 31,5 triệu USD, tăng 55,7% và hạt tiêu đạt 5,2 nghìn tấn, trị giá 26,7 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023…

Thị trường Anh được đánh giá vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt. Song gần đây, Anh liên tục có những thông báo lên WTO về việc dự kiến áp dụng mức dư lượng tối đa (MRL) với một số hoạt chất như fludioxonil, isotianil, flonicamid… trong các sản phẩm nhập khẩu như xoài, đu đủ, các loại hạt, đậu không vỏ…

Hoặc đối với thị trường EU, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU trong 10 tháng năm 2024 đạt 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, ngày 20/9/2024, Ủy ban châu Âu đã công bố Quy định của Ủy ban (EU) 2024/2462 về việc bổ sung Mục 79 mới vào Phụ lục XVII của Quy định (EC) số 1907/2006 (Quy định REACH) liên quan đến axit undecafluorohexanoic (PFHxA), các muối của nó và các chất liên quan đến PFHxA. Quy định này đặt ra các hạn chế đối với PFAS này trong nhiều sản phẩm khác nhau như: Hàng dệt may, giày dép, bao bì thực phẩm, bọt chữa cháy… Theo đó, chất hóa học 'PFHxA' và các sản phẩm có chứa chất này (bao gồm hàng dệt may và giày dép) sẽ bị cấm ở EU.

Một lệnh cấm khác cũng được EU mới áp dụng là ngày 20/12/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng thông báo ban hành lệnh cấm sử dụng bisphenol A (BPA), trong các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm và đồ uống.

Cần chú trọng tính bền vững trong sản phẩm xuất khẩu

Theo các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu nói chung đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường và bền vững.

Do đó, để duy trì tăng trường xuất khẩu sang khu vực thị trường này, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đơn cử với hàng dệt may, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu - cho biết, thị trường thời trang và dệt may bền vững tại Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung đang phát triển mạnh mẽ, nhờ vào nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về tác động của ngành thời trang đến môi trường. Người tiêu dùng luôn ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Những sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu hữu cơ hoặc tái chế, được sản xuất theo quy chuẩn bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động, ngày càng chiếm lĩnh thị trường.

“Việc EU thúc đẩy Chiến lược dệt may bền vững mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thời trang bền vững tại Bắc Âu đang ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác thị trường này, như nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào và kỹ thuật thủ công truyền thống, đáp ứng nhu cầu về tính bền vững và yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, cũng là thách thức khi yêu cầu doanh nghiệp không chỉ sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường mà còn phải đảm bảo quy trình sản xuất không gây ô nhiễm và sản phẩm có khả năng tái chế cao” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin.

Hoặc đối với ngành da giày, theo đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng "xanh hóa" trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao. Do vậy, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh… nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khu vực châu Âu là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan từ các nước khu vực này để tránh rủi ro, đi kèm với chiến lược xuất khẩu phù hợp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mở rộng vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Năm 2025, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 12% so với năm 2024. Mục tiêu này được đánh giá là tương đối thách thức trong bối cảnh các thị trường đã và đang đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu.

Theo Báo Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo