TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển nhà ở trong năm 2025
Theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn năm 2021 - 2025, TP. Hồ Chí Minh cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người phải đạt là 23,5 m2.
Pháp lý là rào cản lớn
Vào tháng 8/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025.
Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nhận định đây là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi thành phố phải đề ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành mục tiêu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, vấn đề vướng mắc pháp lý là yếu tố quan trọng quyết định để TP. Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu trên.
Theo ông Châu, hàng loạt dự án trên địa bàn đang ách tắc do chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những khó khăn về quỹ đất, đấu thầu, tiền sử dụng đất… cũng khiến nhiều dự án bị "bất động".
Báo cáo của HoREA cho thấy, tính đến tháng 11/2024, TP. Hồ Chí Minh chỉ có 52 dự án được xây dựng gồm 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng được chấp thuận. Trong khi đó, vẫn còn 86 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công, với tổng quy mô sử dụng đất trên 900 ha và hơn 54.000 sản phẩm bất động sản tồn kho.
Giải pháp thúc đẩy nguồn cung
Do đó, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh chỉ cần sớm gỡ vướng cho các dự án này, nguồn cung nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh trong những năm tới. "Việc này cần quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Bởi những năm gần đây nguồn cung nhà ở tại thành phố liên tục sụt giảm. Nếu năm 2020 có 16.895 căn thì đến năm 2021 giảm xuống còn 14.443 căn, năm 2022 còn 12.147 căn, năm 2023 tăng lên 17.753 căn nhưng 11 tháng năm 2024 chỉ còn 1.611 căn", ông Châu lo ngại.
Còn theo KTS Trần Tuấn, việc giúp doanh nghiệp tiếp cận được quỹ đất sạch để phát triển dự án, nhất là nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội là giải pháp then chốt. Dù Luật Đất đai đã quy định hai hình thức tiếp cận đất đai của doanh nghiệp là đấu giá và đấu thầu đất, nhiều dự án vẫn gặp vướng do các thủ tục liên quan đến quỹ đất, tiền sử dụng đất... dẫn tới tình trạng dự án “treo” kéo dài.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng các loại đất để làm nhà ở thương mại. Đây được xem là cơ hội để tăng thêm nguồn cung dự án trên thị trường, bởi chỉ khi doanh nghiệp tiếp cận được quỹ đất thì mới có thể triển khai xây dựng, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng lớn của người dân.