Deutsche Bank: Chu kỳ bùng nổ kéo dài 20 năm chính thức chấm dứt, Mỹ sắp chứng kiến làn sóng phá sản trên diện rộng
Thời kỳ vàng son sẽ chấm dứt khi mà các tiêu chuẩn cho vay bị siết chặt đáng kể và lãi suất tăng mạnh trên toàn cầu.
Điều kiện tín dụng bị thắt chặt sẽ thổi bùng lên làn sóng phá sản và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bối cảnh vĩ mô và môi trường kinh doanh khắc nghiệt hơn sẽ chính thức đặt dấu chấm hết cho chu kỳ bùng nổ đã kéo dài suốt 20 năm qua, theo nhận định của các chuyên gia phân tích đang làm việc tại ngân hàng Deutsche Bank.
Trong 1 báo cáo mới công bố, nhóm chuyên gia nhận định trong 20 năm gần đây, khi tín dụng tăng trưởng bùng nổ, các định chế tài chính đã đẩy mạnh cho vay, giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế vững chắc trong khi các thị trường được hưởng lợi lớn từ chính sách lãi suất siêu thấp.
Tuy nhiên, kỷ nguyên này sắp chấm dứt khi mà các tiêu chuẩn cho vay bị siết chặt đáng kể và lãi suất tăng mạnh trên toàn cầu. Thực tế làn sóng vỡ nợ có vẻ như đã bắt đầu diễn ra, với tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu lợi suất cao ở Mỹ tăng từ mức 1,1% trong năm ngoái lên 2,1%. Tỷ lệ vỡ nợ tín dụng cũng tăng từ mức 1,4% của năm ngoái lên 3,1%.
Các chuyên gia của Deutsche Bank dự báo khi lên đến đỉnh điểm, hai chỉ số này có thể lên đến mức lần lượt là 9% và 11,3%. Đây là mức gần bằng với mốc cao nhất mọi thời đại là 12% mà nước Mỹ chạm đến trong khủng hoảng tài chính 2008, mặc dù khi đó bong bóng tín dụng đổ vỡ nghiêm trọng hơn.
“Chính sách tiền tệ của Fed và ECB bị thắt chặt nhất trong 15 năm đúng lúc tỷ lệ đòn bẩy cao gây ra áp lực rất lớn trong khi lợi nhuận thặng dư của doanh nghiệp bị bóp nghẹt”, báo cáo viết. Deutsche Bank nhận định phá sản là “rủi ro lớn” trong 6-12 tháng tới.
Tín dụng bị thắt chặt cũng là dấu hiệu cảnh báo suy thoái sắp đến. Chỉ số dự báo suy thoái của Deutsche Bank dự báo có 35-40% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, xác suất cao nhất kể từ đại dịch.
Kể từ sự kiện ngân hàng SVB sụp đổ tháng 3 năm ngoái, kéo theo một số ngân hàng khác phá sản và toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ siết chặt cho vay, phố Wall vẫn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với tình trạng khan hiếm tín dụng. Theo dữ liệu của Morgan Stanley, làn sóng thắt chặt cho vay đã thực sự diễn ra và nhiều khả năng suy thoái sẽ ập đến ngay trong năm nay.
Bank of America dự báo 1 cuộc suy thoái toàn diện đi kèm với khan hiếm tín dụng sẽ dẫn đến kết cục là các doanh nghiệp Mỹ vỡ nợ trái phiếu với tổng quy mô lên đến 1.000 tỷ USD.
Tham khảo Business Insider