A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đầu tư vàng: Khi tỷ suất lợi nhuận chuyển động nghịch với rủi ro

Trong những năm trở lại đây, kim loại quý này đã không còn tăng giá mạnh khi các kênh đầu tư khác đã bắt đầu hình thành, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm

Khi đánh giá về sự ham thích vàng của người Việt Nam, Standard Chartered từng cho biết, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ tư tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan.

“Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy”, ngân hàng này từng nhận xét.

Trong đó, văn hóa, lạm phát và thiếu niềm tin vào động nội tệ là ba nguyên nhân lý giải vì sao người Việt Nam lại ưa chuộng nắm giữ vàng. Điều này cũng khiến kim loại quý này không ngừng tăng giá theo thời gian. Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành, chỉ tính từ năm 1990 tới nay, giá vàng trong nước đã tăng tới hơn 40 lần.

Dù vậy, trong những năm trở lại đây, kim loại quý này đã không còn tăng giá mạnh khi các kênh đầu tư khác đã bắt đầu hình thành, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Lâm Minh Chánh, nguyên Tổng giám đốc Sàn Vàng Thế giới (VTG), tỷ suất lợi nhuận trung bình của vàng trong dài hạn, từ 7% - 12%/năm, tùy theo thời điểm đầu tư.

Còn theo thống kê của quỹ Dragon Capital, vàng có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp so với các công cụ đầu tư khác, thậm chí thấp hơn khá nhiều so với tiền gửi ngân hàng.

Cụ thể, trong 21 năm (từ năm 2000 – 2021), cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận là 15,9%/năm, của bất động sản là 11,9%/năm, trái phiếu là 9,4%/năm, vàng là 9.0%/năm, tiền gửi ngân hàng là 8,0%/năm và của USD là 2,2%/năm.

Nếu tính trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2011-2021), thì tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu là 15,8%, của trái phiếu là 9,9%/năm, bất động sản là 8,9%, tiền gửi là 7,3%, vàng chỉ còn 1,7%/năm và USD là 0,9%

Còn trong giai đoạn 5 năm (từ 2016 – 2021), thì tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu là 19,2%/năm, bất động sản là 12,1%/năm, trái phiếu là 9,8%/năm, tiền gửi là 6,2%/năm. Tỷ suất lợi nhuận của vàng vẫn đứng ở mức áp chót với 6,1%/năm và của USD là 0,2%/năm.

Rủi ro tăng lên

Bên cạnh tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm, theo ông Lâm Minh Chánh, nhà đầu tư vàng còn gặp rủi ro rất lớn liên quan đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán vàng của doanh nghiệp trong nước.

Lý giải điều sâu hơn, chuyên gia cho biết, nếu quy đổi giá vàng thế giới, tức là lấy giá vàng thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm + thuế nhập khẩu, và quy đổi ra tiền Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rằng giá vàng Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới. Đây có thể là kết quả của Nghị định năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Như trong thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang ở mức 1800 – 1820 USD/ounce, tương đương với 40 – 51 triệu/lượng. Nhưng giá vàng Việt Nam đang ở mức 62 - 63 triệu/lượng vàng, tức có khoảng chênh với thị trường thế giới tới 12 triệu đồng/lượng.

“Về cơ bản, giá vàng trong nước tăng, giảm theo giá vàng thế giới, tuy vậy, thời gian tăng giảm không đồng bộ. Có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm theo giá vàng thế giới gần như tức thời, nhưng có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm chậm hay nhanh một vài nhịp so với giá vàng thế giới. Tốc độ nhanh chậm này nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ doanh nghiệp vàng tại Việt Nam”, ông Chánh nói.

Điều đáng nói nhất, theo chuyên gia, là sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán của vàng Việt Nam quá lớn so với vàng thế giới.

“Nếu sự chênh lệch giữa giá mua - giá bán của giá vàng thế giới chỉ từ 0,05%-0,2% thì sự chênh lệch của giá vàng Việt Nam thông thường là từ 1%-2%. Những lúc biến động, sự chênh lệch này giãn ra 3%-4%, thậm chí cao hơn. Tức là nhà đầu tư vừa mua thì đã lỗ ngay tức thời X%. Đây là rủi ro cực lớn cho người đầu tư, lướt sóng vàng vật chất tại Việt Nam”, chuyên gia cảnh báo.

Rất khó để đoán được giá vàng

Từng là chủ Sàn Vàng Thế Giới với hàng chục chuyên viên hàng đầu về phân tích giá vàng, và với nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư tài chính, nhưng ông Lâm Minh Chánh cũng thú thực, việc dự đoán biến động của kim loại quý này là cực kỳ khó.

“Theo kinh nghiệm đầu tư của tôi thì rất hiếm ai dự đoán đúng giá vàng. Tôi đã từng nói, viết câu này, mấy năm rồi và đến nay nó vẫn luôn đúng: “Giá vàng diễn biến rất khó lường. Giá vàng như có mắt vậy. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh. Giá vàng không cho ai "ăn dày”, thắng đủ cơn sóng. Nhưng lại làm cho rất nhiều người thua lớn", ông Chánh nói.

Theo đó, chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng với kênh đầu tư này. “Nếu bạn quá mê vàng, thì bạn vẫn có thể đầu tư, tuy nhiên chỉ đầu tư 5% - 10% tài sản vào vàng thôi. Cách đầu tư hợp lý là mua vàng đều theo thời gian. Trong dài hạn giá vàng sẽ lên, và chúng ta sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận dương”, chuyên gia đưa lời khuyên.


Tác giả: Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo