Đã nên đánh thuế người có nhiều BĐS?
Nếu chỉ giữa năm 2024, vẫn còn không ít ý kiến hoài nghi về hiện tượng thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu phục hồi, thì những giờ đây, giá BĐS ở nhiều địa phương, ở nhiều dự án đã trở nên sôi động với những đợt “sốt” nhà riêng lẻ trong ngõ, nhà chung cư cũ, nhà chung cư dự án mới… Tuy nhiên, người mua nhà cũng không khỏi băn khoăn trước thông tin có thể sẽ bị đánh thuế người có nhiều BĐS.
Điển hình, tại dự án Vinhomes Smart City tại khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên kinh doanh cho biết, chỉ trong hai ngày mở bán, đơn vị đã bán hết hơn 1.800 căn hộ của dự án, dù đến 3 năm sau khách mua mới được nhận nhà.
Được biết, nhiều dự án ở Hà Nội cũng như vùng ven đô đã được khách mua quan tâm tìm hiểu. Diễn biến nêu trên quả là một nỗ lực đáng khích lệ của các chủ dự án, các nhà đầu tư BĐS, các sàn BĐS và cả những người hành nghề môi giới BĐS. Bởi nhu cầu BĐS tăng, giá cả sôi động sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, khẩn trương có sản phẩm tung ra thị trường. Các doanh nghiệp xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng cũng như giới sản xuất kinh doanh thiết bị nội thất, thiết bị gia dụng cũng nhìn thấy “đầu ra” khi thị trường BĐS đang “ấm” dần.
Nhưng cũng mới đây, những người “hăng hái” tham gia tìm mua BĐS không khỏi lo lắng trước thông tin về việc Bộ Xây dựng ban hành Công văn 5333/BXD-QLN, gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá BĐS. Nội dung công văn Bộ Xây dựng có nêu đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Điều này làm nhiều người không khỏi lo lắng, bởi có tiền gửi ngân hàng tuy lãi suất thấp, nhưng nếu đầu tư mua thêm căn nhà, liệu sau khi chịu thuế tiền lãi có còn bằng gửi tiết kiệm?
Bày tỏ quan điểm về việc đánh thuế nhà đất thứ hai, thứ ba để tránh tình trạng đầu cơ, bỏ hoang… tại buổi họp báo quý 3/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng đây là đề xuất rất đáng tiếp thu để góp phần xây dựng thị trường BĐS minh bạch, ổn định và phát triển... Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, chúng ta phải xử lý một cách tổng thể và toàn diện, làm sao xây dựng thị trường BĐS minh bạch và phát triển bền vững theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế BĐS thứ hai được đề cập, nhằm xử lý triệt để việc trục lợi, đầu cơ đất đai. Dù vậy, riêng chính sách thuế thì không thể đáp ứng toàn diện mà cần đồng bộ các chính sách khác về đất đai, quy hoạch, cùng với các chính sách về tài chính.
Hẳn chúng ta còn nhớ, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ. Thông tin mà dư luận đặc biệt quan tâm là số tiền người dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, trong những tháng cuối năm cần kết hợp đồng bộ các giải pháp từ cơ quản quản lý Nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các ngân hàng cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, trong đó có việc các ngân hàng hỗ trợ người dân được vay mua các sản phẩm BĐS có giá bán hợp lý, phân khúc bình dân, trung cấp, thanh khoản tốt.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngân hàng cần ưu tiên giải ngân cho các dự án BĐS được tháo gỡ vướng mắc pháp lý sau khi các luật liên quan BĐS có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, từ đó giúp luân chuyển dòng vốn, các nhà thầu, nhà cung cấp, sản xuất nguyên liệu đầu vào cũng sẽ có cơ hội phục hồi và sẽ phát sinh nhu cầu vay vốn ngân hàng để tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trong lúc đang cần hỗ trợ người dân được vay để mua các sản phẩm BĐS nhằm kích cầu đưa tiền vào lưu thông, giúp luân chuyển dòng vốn, thì Bộ Xây dựng lại đề nghị đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất. Điều này khác gì “trống đánh xuôi, kèn thôi ngược” đối với những biện pháp kích cầu nền kinh tế mà Chính phủ cũng như các bộ, ngành đang tìm hướng giải quyết.
Trong bản tin “Chào buổi sáng” ngày 1/10/2024 của VTV đưa tin, để giải cứu thị trường BĐS, kích cầu nền kinh tế đất nước, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã bãi bỏ tất cả mọi chính sách hạn chế người dân sở hữu nhà, cho phép mỗi người dân được sở hữu số lượng nhà theo khả năng tài chính, đồng thời các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thông thoáng cho người dân mua thêm nhà. Lập tức, thị trường chứng khoán Trung Quốc (được coi là hàn thị biểu của nền kinh tế) tăng 9 phiên liên tục, còn thị trường BĐS của nước này bùng nổ trở lại.
Nêu những điều trên đây, chúng ta cùng xem xét việc đã nên đánh thuế người có nhiều BĐS như đề xuất của Bộ Xây dựng.
Công Thắng