Trường đại học ở Nhật Bản 'khát' thí sinh vì lý do không ngờ
Trong 30 năm qua, số lượng thanh niên 18 tuổi ở Nhật Bản đã giảm hơn 40%, trong khi số lượng các trường đại học tư tăng 60%.
Lần đầu tiên, hơn một nửa số trường đại học tư thục của Nhật Bản không thể đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học bắt đầu vào tháng 4-2023. Thực trạng này báo hiệu một tương lai ảm đạm của các trường đại học tư thục tại Nhật Bản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ.
"Bi kịch" trường đại học không có thí sinh để tuyển
Gốc rễ của vấn đề là tỉ lệ sinh của quốc gia giảm mạnh. Trong 30 năm qua, số lượng thanh niên 18 tuổi ở Nhật Bản đã giảm hơn 40%, trong khi số lượng các trường đại học tư tăng 60%.
Tình trạng thiếu hụt tuyển sinh đặc biệt nghiêm trọng đối với các trường đại học nhỏ ở khu vực nông thôn. Ngày càng nhiều trường đại học, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đang chật vật tìm cách lấp đầy những chỗ trống trong lớp học.
Các trường đại học tư thục phụ thuộc khoảng 80% doanh thu vào học phí của sinh viên. Sự thiếu hụt tuyển sinh nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của họ.
Nhiều trường đại học đã không thể giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả, dù đã thực hiện các bước như cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc thành lập các khoa mới.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2024, về nguyên tắc, chính phủ sẽ loại các trường đại học khỏi chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên thuộc các gia đình có thu nhập thấp nếu các trường đại học không hoàn thành ít nhất 80% chỉ tiêu tuyển sinh trong 3 năm tài chính vừa qua.
Tổng cộng có 155 trường đại học, tương đương 26% tổng số cơ sở giáo dục, không đạt được mục tiêu 80% này.
Nếu cuộc khủng hoảng tuyển sinh tiếp tục không suy giảm, sự chênh lệch về cơ hội giáo dục giữa các thành phố lớn và khu vực nông thôn có thể ngày càng gia tăng.
Các trường chật vật tìm cách sống sót
Để tồn tại, có những trường đại học đã từ bỏ mục tiêu cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chỉ tập trung vào sự sống còn của mình.
Mặt khác, có nhiều trường đại học ở nông thôn tập trung đào tạo sinh viên trở thành nhà lãnh đạo trong cộng đồng địa phương ngay cả khi các sinh viên này không đạt điểm cao trong các kỳ thi viết, hoặc đào tạo nhân viên chăm sóc trẻ em và điều dưỡng vốn đang thiếu hụt.
Nếu không có những trường học này, cộng đồng địa phương sẽ mất đi sức sống và trẻ em từ các gia đình nông thôn không đủ khả năng sống xa nhà để học đại học sẽ buộc phải thay đổi con đường sự nghiệp.
Vì trợ cấp của nhà nước cho các trường tư được xác định dựa trên các yếu tố liên quan đến quy mô như số lượng sinh viên, nên số tiền công quỹ tiết kiệm được từ các trường đại học nhỏ là rất thấp. Đối với tương lai của Nhật Bản, thiệt hại do việc đóng cửa các trường đại học ở khu vực nông thôn sẽ lớn hơn nhiều.
Các trường đại học nhằm đảm bảo đủ số lượng sinh viên ở khu vực nông thôn đang tăng cường hợp tác với cộng đồng địa phương để người dân nhận diện và hiểu các đặc điểm giáo dục của trường.
Các trường cũng đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ làm việc hiệu quả với chính quyền địa phương, các ngành công nghiệp và người dân thông qua sử dụng tài nguyên và hoạt động của trường để đóng góp cho cộng đồng địa phương, chẳng hạn như sử dụng kết quả nghiên cứu.
Điều quan trọng nữa là trường phải chấp nhận các đối tượng như nhiều người trưởng thành đang đi làm muốn tiếp thu kiến thức mới và sinh viên quốc tế có nhu cầu. Sinh viên đúng tuổi, người lớn đang đi làm và sinh viên quốc tế có thể truyền cảm hứng và học hỏi lẫn nhau nếu học tập cùng một môi trường.
"Bài toán" cần chính phủ giải
Các chuyên gia cảnh báo khu vực nông thôn ngày càng thiếu sức sống sẽ gây rủi ro cho sự phát triển bền vững của Nhật Bản. Để giải quyết thách thức phức tạp này, chính phủ cần những ý tưởng vượt ra ngoài lĩnh vực giáo dục.
Một ý tưởng đáng được xem xét nghiêm túc là xác định tiền trợ cấp dành cho các trường đại học tư thục căn cứ vào mức độ đóng góp của trường cho cộng đồng địa phương.
Điều đó có nghĩa là việc xác định hỗ trợ cho các trường đại học tư sẽ cân nhắc đến các yếu tố bị bỏ qua trước đây như tỉ lệ sinh viên tham gia lực lượng lao động địa phương và số lượng những thách thức địa phương mà họ đang giải quyết.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ cần phát triển cách tiếp cận mới trong hỗ trợ cho các trường đại học tư thục.