Tranh cãi "ngành ngoại ngữ không cần học đại học mất công, chỉ học ở trung tâm rồi thi lấy chứng chỉ là có thể kiếm tiền"
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Trong thời kì hội nhập như hiện nay thì việc biết ngoại ngữ chiếm một ưu thế rất lớn khi đi xin việc. Bởi lý do này mà ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc học ngôn ngữ.
Tuy nhiên, xung quanh việc học ngoại ngữ có khá nhiều vấn đề đáng tranh luận. Một số cho rằng muốn học được đầy đủ kỹ năng, có đủ trình độ để gia nhập thị trường lao động thì nên thi vào một trường chuyên về đào tạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng không ít người thẳng thắn nhận định: "Không cần theo học ở các trường đại học cao đẳng, chỉ cần học ở trung tâm rồi sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ cao là hoàn toàn có thể kiếm được tiền, thậm chí đi dạy người khác". Vậy sự thật là gì?
Không cần học ngoại ngữ chính quy, chỉ cần học ở trung tâm là đủ?
Ngọc Anh là sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học chuyên đào tạo về ngoại ngữ có tiếng nhất nhì Hà Nội. Trước khi đăng ký vào ngành học này, bản thân Ngọc Anh cũng từng nghe rất nhiều quan điểm trái chiều như: "Học tiếng Anh làm gì ra trường khó kiếm việc làm"; "Bây giờ ai chẳng biết tiếng Anh, học vào chỉ có phí 4 năm thanh xuân"... Mới đầu thì có vẻ lo sợ, nhưng sau 4 năm được đào tạo tại trường, cô bạn lại không cảm thấy nao núng vì tự tin với kiến thức, kỹ năng của mình.
"Bọn mình được đào tạo 4 năm ở trong trường đại học không có nghĩa lý gì mà mình phải lo sợ cả. Trong 4 năm đấy mình được nhà trường trang bị rất kỹ về các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến chuyên ngành học mà mình chọn. Cái đáng giá nhất của chúng mình là được trải nghiệm với cuộc sống sinh viên, được phát triển các kỹ năng toàn diện không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ...
Nhiều người chưa trải nghiệm sẽ nghĩ rằng mình chỉ học nghe, nói, đọc, viết... giống như các bạn học các chứng chỉ ngoại ngữ bên ngoài, nhưng không hẳn vậy. Bọn mình được học rất nhiều kiến thức hàn lâm như: Ngữ âm và âm vị học, Lịch sử và Văn hóa các nước nói tiếng Anh... Ngoài ra, như mình là định hướng Biên - Phiên dịch nên các thầy cô trong trường sẽ đào tạo chuyên sâu hơn nữa", Ngọc Anh chia sẻ.
Còn Ngọc Hà - sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Mở Hà Nội nói: "Nếu chỉ cần học ngoại ngữ để phục vụ nhu cầu công việc như: Kinh doanh, xuất nhập khẩu, làm PR... thì việc học ở trường hay học ở trung tâm là như nhau. Nhưng nếu công việc cần tiếng Anh chuyên ngành chuyên sâu, dịch thuật, biên phiên dịch, dịch cabin thì mình thấy có bằng đại học về ngoại ngữ được đánh giá cao hơn".
Ảnh minh họa
Cùng quan điểm như trên là cô bạn Hà Anh - sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bản thân Hà Anh đã có IELTS 7.5, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Hà Anh thậm chí còn giành điểm thi môn Anh cao ngất ngưởng là 9.8. Khá tự tin vào khả năng tiếng Anh của mình nên Hà Anh đã đi làm gia sư tiếng Anh ngay từ năm nhất. Nữ sinh dạy 2 bài thi độc lập là IELTS và môn tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dù sở hữu kiến thức tiếng Anh tương đối chắc chắn, nhưng trong quá trình đi dạy cô bạn vẫn gặp phải không ít khó khăn. Nói về nguyên do, Hà Anh ngậm ngùi chia sẻ: "Bởi vì mình không có chuyên môn sư phạm. Dù học ngoại ngữ ở trung tâm có kha khá lợi ích như: Giáo trình tinh giản, thời gian đào tạo ngắn hơn... nhưng để có thể làm việc ở các lĩnh vực đặc thù, chuyên sâu thì phải đào tạo ở trường đại học".
Nắm rất rõ kiến thức nhưng không làm cách nào để có thể diễn giải để cho học sinh hiểu được là một vấn đề khác mà Hà Anh phải đối diện. Theo Hà Anh, đó là cái thiếu sót lớn nhất cho những ai "tay ngang" chuyển sang nghề dạy ngoại ngữ. Nữ sinh thường xuyên mắc lỗi đồng hóa tư duy giữa bản thân và học sinh chẳng hạn: "Kiến thức này dễ nên chắc mọi người cũng nhanh hiểu", "Mọi người tự nghiên cứu phần này nhé!"... Phải sau rất nhiều lần nhận được phản hồi, góp ý, Hà Anh mới nhận ra không phải ai cũng như mình.
Ảnh minh họa
Xét đến nhu cầu và định hướng phát triển trước khi đưa ra quyết định
Đó là quan điểm của sinh viên còn đối với giảng viên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy Vũ Văn Duy (giảng viên tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN). Thầy Duy hiện có bằng Tiến sĩ về Ngôn ngữ học của trường Đại học KU Leuven (Bỉ). Thầy đã xuất bản và bình duyệt rất nhiều bài nghiên cứu khoa học nhiều các tạp chí uy tín trong ngành của những nhà xuất bản tên tuổi như Đại học Oxford, Đại học Cambridge, Wiley, SAGE, Taylor & Francis, Spinger, Elsevier, De Gruyeter, John Benjamins, Nature Portfolio…
Thầy chia sẻ: "Nói về góc độ chuyên môn, tôi cho rằng nếu chỉ học tiếng Anh ở trung tâm và sở hữu chứng chỉ tiếng Anh với điểm cao thì chưa đủ để đi dạy học hiệu quả được. Một người sở hữu chứng chỉ tiếng Anh cao có thể có nghĩa là kiến thức của họ về 4 kĩ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết tiếng Anh tốt cũng như họ có những chiến thuật làm bài thi tốt. Nhưng để trở thành một giáo viên tiếng Anh thì không chỉ cần có các kĩ năng tiếng Anh và chiến thuật thi tốt mà còn cần nhiều kiến thức chuyên sâu hơn, ví dụ như kiến thức về ngôn ngữ (ngữ âm học, ngữ dụng học, phân tích diễn ngôn…), tâm lý người học, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, kiểm tra đánh giá…
Những kiến thức này các khoá học thuần tuý ngoài các trung tâm không dạy mà cần phải học những chứng chỉ và bằng cấp được công nhận bởi những trường đại học hay những tổ chức tuy tín về giảng dạy tiếng Anh".
Thầy Vũ Văn Duy
Tóm lại, trước khi quyết định xem học ngoại ngữ tại trung tâm hay các trường đại học phù hợp hơn thì phải xét đến nhu cầu và định hướng phát triển bản thân. Nếu bạn chỉ sử dụng ngoại ngữ để phục vụ nhu cầu công việc, để có chứng chỉ để làm điều kiện ra trường... thì có thể cân nhắc học ở ngoài trung tâm. Còn nếu bạn muốn trở thành một biên dịch viên, phiên dịch viên... thì chương trình đào tạo tại các trường đại học sẽ chuyên sâu hơn để các bạn tích lũy kiến thức, kỹ năng.