A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sự tiến bộ của học sinh: Từ cách đánh giá đến chất lượng thật

Thực tiễn, chúng ta có thói quen đánh giá học sinh dựa trên kết quả học tập và sự so sánh giữa người học này với người học kia.

Điều này dẫn đến việc nhìn nhận việc dạy cũng như việc học bị bó hẹp bởi thành tích và chưa thể hiện rõ sự phát triển toàn diện của học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (hay còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới) đã yêu cầu việc đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, đã tạo ra sự khác biệt khi kết quả đánh giá theo “thế chân kiềng” toàn diện hơn.

Đổi mới trong ra đề kiểm tra

Chính bản thân tôi nhìn nhận được vấn đề đánh giá không chỉ dựa trên kết quả từ khi bắt đầu phải ra đề thi cho học sinh, nghĩa là cũng 20 năm rồi. Chuyển biến từ một người giáo viên đến một người nghiên cứu về đánh giá giáo dục đã cho tôi nhận ra những điều khác biệt. Từ chỗ chỉ biết “khó” vì làm sao ra được câu hay, không sai, không lặp lại, an toàn… đến chỗ hiểu rằng “đề chất lượng” không chỉ nhận thức một chiều như thế, mà còn bảo đảm các yêu cầu từ phía người học cả khách quan và chủ quan, làm sao nhận được thông tin từ quá trình học tập để giúp các em cải thiện việc học, còn tôi cải thiện việc dạy.

Chuyện thứ nhất: Tôi từng “sản xuất” được 1 câu hỏi, ở mức độ “vận dụng cao” nhưng thực tế khi học sinh làm bài thì không phải vậy, có không ít em đã làm “ngon lành”. Vậy là có sự khác biệt về “độ khó”, và nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó. Chẳng hạn, học sinh đã biết câu đó rồi, đã luyện thành thạo rồi… nên không còn khó nữa. Và như thế, cách học đã bị cách thi chi phối.

Chuyện thứ hai: Khi ngồi thống kê về độ khó, độ tin cậy của đề, mới thấy rằng đôi khi “làm đúng” mà không phải đúng. Đó chính là chuyện nhắm mắt “tích đáp án”, thế là được kết quả đúng! Nguyên nhân của chuyện này thì có nhiều, nhưng một phần từ “ra đề”. Từ chọn phương án nhiễu thế nào, hiểu hành vi của học sinh ra sao… Nếu người ra đề chỉ thực hiện xong việc, mà chưa tận tụy học chuyên môn để đáp ứng được các yêu cầu kĩ thuật thì những chuyện này rất dễ xảy ra.

Chuyện thứ ba: Đánh giá năng lực. Điểm 10 đối với các học sinh có giống nhau? Có chuyện rằng giờ đây người ta nghi ngờ điểm. Học sinh được toàn điểm 10 ở lớp 5 nhiều vô kể, đến nỗi tuyển sinh vào lớp 6, người ta không thể dùng “điểm học bạ” nữa, mà phải thi “cho thật”. Rồi khi vào đại học, rất nhiều giảng viên than khổ vì phải dạy sinh viên “A0 tiếng Anh” trong khi các em đều đã đạt điểm kha khá qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT!

Chúng ta cứ mơ rằng sẽ được như “trước kia”, khi “đề sát với học sinh lắm, được 7 là ra 7, được 5 là ra 5”, hay “Phần Lan thế này, không thi vẫn thực chất”, “Ở Mỹ nhiều trường đại học không dùng SAT/ACT (đánh giá theo chuẩn) nữa, họ tin tưởng vào quá trình dạy học ở trường phổ thông”…. Sao phải mơ nhỉ, chỉ cần chúng ta “làm thật”! Đề của mình thật chất lượng rồi thì chúng ta cũng hiện thực được “học thật, thi thật”.

Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

Chúng ta đã quá quen với đánh giá kết quả học tập. Chúng ta vẫn thường “so sánh với chuẩn kiến thức kĩ năng”, “so sánh giữa các học sinh”. Nó thành thói quen, đến mức chúng ta không tin rằng cần phải học các công cụ khác, cũng không tin sức mạnh “công cụ đánh giá quá trình”.

Chẳng hạn: Để giúp “rèn kĩ năng đọc cho học sinh”, chúng ta cần quan sát thói quen đọc sách của các em; Quan sát chi tiết các hành vi: “lật sách”, “cầm lên đặt xuống cuốn sách”, “nói với người khác về cuốn sách”, “đọc cho người khác nghe”… Làm thế để làm gì ư? Để giúp các em thay đổi thói quen và từ đó mới hình thành một thói quen mới. Chúng ta không quan sát tỉ mỉ thì làm sao có thể giúp các em tiến bộ?

Rồi khi muốn “rèn nhân cách, phẩm chất” cho các em, nếu chúng ta không lập một bảng điểm, để nhìn thấy “mặt tích cực”, “mặt tiêu cực” trong các hành động của các em, để cùng nhau phân tích, thì tập thể những người thầy, và cả cha mẹ các em nữa cũng chưa chắc đã chuẩn bị đầy đủ tri thức, tâm thế để làm bạn và hướng dẫn các em tiếp tục các hành trình.

Trong chuyên đề “Sử dụng công cụ đánh giá quá trình học tập của học sinh” chúng tôi muốn tiếp cận để hiện thực hóa “đánh giá vì sự tiến bộ của người học”. Cùng với “Rèn luyện kĩ năng tự đánh giá cho học sinh”. Giờ đây, giáo viên có thể coi “đánh giá như một phương pháp dạy học” để phát triển năng lực học sinh.

Hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia

Đó là những gì chúng tôi thực hiện, bồi dưỡng cho giáo viên trong chuyên đề “Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong đánh giá học sinh”. Đây không chỉ là sự thể hiện cụ thể việc hướng dẫn các nhà trường thực thi tốt các hướng dẫn về đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn là thực tế đáp ứng nhu cầu của các nhà trường – nơi nhận ra sứ mệnh thực thi giáo dục không chỉ là: Thành tích và kết quả. Mà là hệ sinh thái giáo dục: Phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội.

Chúng tôi giúp các thầy cô thực hành các công cụ rất cụ thể để có thể áp dụng vào công việc của mình, từ ngắn hạn đến dài hạn.

Chúng ta cứ tiếp tục tận tụy áp dụng các thành tựu khoa học, các kinh nghiệm, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm. Nghề đòi hỏi chúng ta kiên trì học tập hơn. Chúng tôi cũng vậy, và luôn sẵn sàng học thêm, làm thêm cho “cây đời” giáo dục xanh tươi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo