Sách giáo khoa: Không thể 'đau chân lại mổ dạ dày'
Sách giáo khoa là sản phẩm hàng hóa không thể thiếu. Đầu tư cho tương lai không gia đình nào muốn con em mình phải học chay...
Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường cho học sinh mượn. Nhiều người băn khoăn: liệu cách làm này có giải quyết được triệt để tình trạng "con nhà nghèo không có sách" do giá tăng đột biến? Trong lúc phải chắt chiu cho chống dịch và phục hồi kinh tế, nhiều tỉ đồng ngân sách được chi như vậy liệu có phát huy hiệu quả?
Sách giáo khoa là sản phẩm hàng hóa không thể thiếu. Đầu tư cho tương lai không gia đình nào muốn con em mình phải học chay. Các thầy cô càng không muốn học sinh không có sách, nhất là khi tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới. Nhiều gia đình đã mua đầy đủ sách giáo khoa, sách tham khảo cho con từ sớm. Nhu cầu mượn sách của học sinh đến lúc này cụ thể ra sao, ai đã thống kê? Với nhiều nhà xuất bản biên soạn, xuất bản sách, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ đấu thầu như thế nào để chọn sách đưa vào thư viện các trường?
Theo quy trình, thủ tục hiện nay nếu được cấp ngân sách đầy đủ đi chăng nữa thì liệu đến giữa năm học, học sinh có kịp được mượn sách giáo khoa như chủ trương của bộ?
Như vậy, chi nhiều tỉ đồng ra mua sách đưa vào thư viện trong khi học sinh cơ bản đã tự mua, ngành giáo dục có "vung tay quá trán"? Số tiền lớn chi ra phải chăng chỉ còn ý nghĩa "chữa cháy" cho một chủ trương chưa thật sát sao về quản lý giá sách giáo khoa?
Khi xây dựng chính sách, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng luôn phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Với sách giáo khoa, các học sinh thật sự nghèo cần được hỗ trợ trực tiếp bằng cách giảm giá, thậm chí tặng không. Nhưng cũng có rất nhiều gia đình đủ điều kiện và mong muốn mua trọn bộ sách cho con mà không cần ai hỗ trợ. Cho nên đồng tiền ngân sách phải rót đúng chỗ.
Nhìn lại câu chuyện sách giáo khoa, bức xúc của dư luận đặt ra nhiều ở tình trạng nhập nhèm giữa sách giáo khoa với sách tham khảo. Khoản lợi nhuận lớn khiến các nhà xuất bản phải tìm mọi cách "tiếp thị" tới các địa phương để đưa sách giáo khoa của mình vào diện được lựa chọn.
Với sách tham khảo, tầm tiếp cận phải rộng hơn, sát hơn: xuống tận trường, thậm chí tận từng lớp, từng học sinh. Với tỉ lệ hoa hồng phát hành cao như hiện nay, sức hấp dẫn để các trường tham gia chuỗi phát hành rất lớn. Tâm lý lứa tuổi học trò dễ tủi thân khi "thua bạn, kém bè", thầy cô giáo và nhà trường lại có đủ các giải pháp "kỹ thuật" nếu muốn tăng doanh thu bán sách tham khảo. Với một guồng quay mạnh mẽ và đồng bộ như thế, việc đủ "can đảm" từ chối mua sách tham khảo gần như là việc bất khả thi với các bậc phụ huynh.
Không thể "đau chân lại mổ dạ dày". Phụ huynh bức xúc vì sách tham khảo thì ngành giáo dục phải chặn biến tướng của sách tham khảo làm khổ các gia đình, nhất là gia đình nghèo đã kiệt quệ sau đại dịch.
Phụ huynh lo sách giáo khoa tăng giá thì phải làm sao tiết chế chi phí để giá sách đỡ tăng, trong đó cân nhắc giải pháp giao Nhà xuất bản Giáo Dục làm một bộ sách tiết giảm nhất vừa túi tiền đa số học sinh.
Còn nếu muốn đưa sách vào thư viện thì có thể từ sang năm, sau lứa học sinh đầu sử dụng, các trường có thể huy động học sinh tặng lại sách cho nhà trường, vừa hiệu quả vừa hợp lý, Nhà nước không mất tiền để chạy theo, lãng phí.
Chính sách luôn có độ trễ. Thời gian vào năm học mới không còn nhiều. Cần tránh đột phá kiểu "chữa cháy" nhất là khi bài học về đấu thầu, sử dụng ngân sách trong mua vật tư chống dịch có cài cắm lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi khiến vừa mất tiền vừa mất cán bộ trong ngành y tế còn đang nóng hổi.