Ông Philipp Rösler: Khái niệm đại học đang dần thay đổi
Theo ông Philipp Rösler - nguyên phó thủ tướng Đức - đại học là một thành tố quan trọng cho các hoạt động kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Sáng 14-9, nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler đã có buổi nói chuyện với sinh viên, giảng viên các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đây là một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 diễn ra từ ngày 13-9 đến 17-9.
Kinh tế xanh đã có từ hàng trăm năm
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Philipp Rösler nhắc đến nơi ông sinh trưởng thời niên thiếu ở Đức, trong một vùng có nhiều rừng.
Ở đó, người dân từ hàng trăm năm trước dù chưa từng nghe về "phát triển bền vững" phổ biến hiện nay cũng đã biết không được đốn cây rừng nhiều hơn số mọc mới mỗi năm.
Theo ông, quan niệm này đã được truyền qua rất nhiều thế hệ người dân trong vùng.
Khi trưởng thành, ông lại nhận thấy ở nhiều quốc gia lúc bấy giờ tồn tại sự mâu thuẫn lớn giữa phát triển kinh tế và vấn đề môi trường.
Hầu hết các hoạt động công nghiệp đều để lại nhiều tác động cho môi trường sống, phát sinh nhiều khí thải, chất thải,…
Còn hiện nay, mọi thứ đã "đảo chiều" khi các quốc gia ngày càng quan tâm hơn đến phát triển bền vững. Không chỉ vì nhận thấy những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, mà còn vì các nước có nhiều điều kiện công nghệ hơn cho sản xuất bền vững.
Chẳng hạn, công nghệ drone đang được sử dụng để bón phân trong nông nghiệp, giúp tăng tối đa hiệu suất, giảm bớt lượng phân bón dư thừa trên đất đai.
Tương tự với những công nghệ tưới tiêu hiện đại ngày càng tối ưu nguồn nước cho cây trồng.
Theo ông, chính công nghệ và những bước tiến số hóa đã tạo điều kiện cho con người dễ dàng hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường. Cũng nhờ đó, khái niệm "kinh tế xanh" hiện không chỉ được đề cập ở tầm quốc gia mà còn đi liền với cuộc sống mỗi người.
"Ý tưởng kinh tế xanh đôi khi chỉ đơn giản là các hành động giảm sử dụng (reduce), sử dụng lại (reuse) và tái chế (recycle) các loại rác thải nhựa trong cuộc sống", ông Philipp Rösler nói.
Khi khái niệm đại học thay đổi...
Nguyên phó thủ tướng cho rằng các đại học là một trong những thành tố quyết định đến sự thành công cho phát triển xanh.
Theo ông, khái niệm đại học ngày nay dần thay đổi, không chỉ là một ngôi trường thuần dạy kiến thức.
"Đại học phải là nơi sinh ra những ý tưởng mới, những kiến thức mới. Những ý tưởng này sẽ phải có ích và làm tăng giá trị cho xã hội", ông Philipp Rösler nêu quan điểm.
Ông ví von mỗi đại học hiện cũng như một "hub" về đổi mới sáng tạo bởi đại học có nguồn chất xám để tạo ra những công nghệ mới.
Nhờ vậy, đại học có thể gắn kết với thị trường và hoạt động công nghiệp để tạo ra những sản phẩm mới cho phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, trong môi trường đại học, cần có thêm những hoạt động để sinh viên nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong phát triển bền vững.
Người trẻ cần được giáo dục để thật sự thấu hiểu được những ảnh hưởng tiêu cực của con người với thiên nhiên để biết được trách nhiệm của mình. Khi đã hình thành ý thức và tâm thế với phát triển xanh, sinh viên có thể đặt ra được những câu hỏi: Mình có thể làm gì giúp cải thiện tình hình?
Các bạn trẻ sẽ lại lan truyền thông điệp sống xanh cho những thế hệ trẻ khác.
Tiến sĩ Philipp Rösler cho rằng mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, luôn có khả năng để tự giải quyết nhiều vấn đề về phát triển bền vững của mình mà không cần đến nguồn lực bên ngoài. Những cam kết hỗ trợ của các nước lớn trong những diễn đàn quốc tế là một lợi thế, nhưng trước tiên các nước vẫn có thể tự lực.
Điều quan trọng là cần xác định các vấn đề ưu tiên và có thể bắt tay ngay vào giải quyết. Chẳng hạn như câu chuyện rác thải nhựa trên đại dương, Việt Nam hoàn toàn có thể có những giải pháp khả thi để giảm nguồn rác thải này đổ ra từ đất liền.
"Không thể chờ đến sự giúp đỡ của người khác, các giải pháp luôn nằm trong tay của chúng ta", ông Philipp Rösler nói.
Kỹ năng và năng lực xanh
Phát biểu tại buổi giao lưu với tiến sĩ Philipp Rösler, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói phát triển xanh được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội mới cho thế hệ trẻ. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên, tuy nhiên 60% trong số đó có thể chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng cho nền kinh tế xanh.
Do đó, sinh viên đại học được yêu cầu phải chuẩn bị và trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực xanh để tham gia lực lượng lao động mới này. Kỹ năng xanh là những công cụ và kiến thức thực tế có thể hỗ trợ sinh viên sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường cả trong cuộc sống và nơi làm việc.
"Đây không chỉ là cơ hội để chúng ta đầu tư vào tiềm năng của sinh viên, thế hệ trẻ mà còn là cam kết lâu dài cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn", ông Đức nói.