Những kết quả nổi bật thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo
Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ GD&ĐT về thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 có nội dung về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại. |
Thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, đã phê duyệt danh mục và hướng dẫn địa phương tổ chức lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 để sử dụng từ năm học 2022 - 2023. Thẩm định SGK và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1 và lớp 2; phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức kiểm tra việc lựa chọn SGK tại một số tỉnh, thành phố; tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Hội nghị đánh giá thực trạng, giải pháp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học. Tổ chức rà soát, nghiên cứu và điều chỉnh Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục triển khai bồi dưỡng giáo viên theo hình thức từ giáo viên cốt cán đến giáo viên đại trà.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại. |
Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục
Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong 8 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 34 văn bản; đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành 3 văn bản.
Ngành Giáo dục cũng tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Năm 2022, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức bảo đảm an toàn, nghiêm túc; có 1.002.432 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 989.863 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,75%.
Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học trước không đưa vào đề thi năm nay. Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Tổ chức đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đối với các phương thức xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hoặc cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ GD&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào ĐH (thông qua cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước).
Nâng cao chất lượng giáo dục, trường ĐH tăng bậc xếp hạng quốc tế
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Thí sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Kết quả: 38/38 học sinh tham dự đạt giải (13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen).
Các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
So với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE. Ngoài ra, có 5 cơ sở giáo dục ĐH trong Bảng xếp các trường ĐH tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities).
Có thêm 2 cơ sở giáo dục ĐH (tổng là 5 cơ sở) có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023. 10 cơ sở giáo dục ĐH trong bảng xếp hạng Webometrics. 5 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường ĐH ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021). 11 cơ sở giáo dục ĐH trong bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022). 7 cơ sở giáo dục ĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022.
Sinh viên Trường ĐH Phương Đông. Ảnh: Thế Đại. |
Trong tháng 8/2022, website research.com đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực. Việt Nam có 10 người có tên trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực. Kết quả này đã phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.
Nhiều chuyển biến từ thực hiện tự chủ ĐH
Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.
Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục ĐH công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 90,6%. Trong đó, 36/36 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng trường.
Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Có 15 cơ sở giáo dục ĐH công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.
Các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH.
Các cơ sở giáo dục ĐH đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính. Đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.
Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Liên kết với thị trường lao động, đào tạo đi vào thực chất; tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các cơ sở giáo dục ĐH cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Cùng với đó, đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục.
Có thể thấy, tự chủ ĐH đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm. Thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.
Nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm hơn 3,5 lần sau 4 năm. Số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục ĐH tăng thêm hơn 4 lần.
Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.
Thầy trò Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại. |
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Mục tiêu nhằm thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026.
Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026; ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 - 2023.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục
Thời gian qua, ngành Giáo dục cũng tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT. Hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số được xây dựng. Các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến được tăng cường. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức kết nối, xác thực và định danh của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, đã xác thực và định danh được khoảng 800.000/900.000 hồ sơ học sinh học lớp 12 năm học 2021-2022 trên cơ sở dữ liệu ngành. Đã xác thực, định danh được khoảng 15 triệu/22 triệu trẻ em, học sinh từ mầm non đến lớp 11. Kết nối, đồng bộ và chia sẻ thành công dữ liệu của 1,4 triệu/1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý trong cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định. Hoàn thành tích hợp, công khai Dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành với gần 5.000 bài giảng E-leaming, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông.
Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới
Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp quản lý trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận 51-KL/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ ĐH, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.
Tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ. Xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược của ngành. Chú trọng đến chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở GD&ĐT.
Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau THCS; xây dựng xã hội học tập.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT. Tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT.