Xây dựng các Khu Dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững
Ngày 8/11, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển (3/11). Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới diễn ra ngay sau lễ mít tinh.
Sự kiện trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển năm 2024 từ 7-9/11 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Nghệ An, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), UNDP, Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An và các đối tác tổ chức.
*Bảo tồn các Khu Dự trữ sinh quyển
Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kêu gọi các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có Khu Dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp triển khai tổ chức truyền thông, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu Dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên; đồng thời, kêu gọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu Dự trữ sinh quyển tại địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của Khu Dự trữ sinh quyển; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các Khu Dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.
Nhắn gửi thông điệp của Tổ chức UNESCO tại lễ mít tinh, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, các Khu Dự trữ sinh quyển đóng vai trò then chốt trong giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu, cũng như hỗ trợ thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Các Khu Dự trữ sinh quyển chính là những phòng thí nghiệm học tập cho các mô hình phát triển bền vững địa phương, là những khu vực thí điểm cho sự hợp tác, triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đến nay cả nước có 11 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các Khu Dự trữ sinh quyển đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân và là ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với diễn biến khôn lường, các Khu Dự trữ sinh quyển là một trong các yếu tố quan trọng giúp cân bằng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học nhờ vào các chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An chia sẻ, được UNESCO công nhận vào năm 2007, Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An nằm trên địa bàn 9 huyện miền Tây với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, chiếm hơn 84% tổng diện tích của tỉnh, dân số trên 1 triệu người gồm 6 dân tộc với những nét văn hóa rất độc đáo và nhân văn đặc sắc, có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, khoa học và môi trường. Chính quyền Nghệ An sẽ giữ vững danh hiệu được trao tặng, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái đi đôi với phát triển kinh tế xã hội.
*Phát triển mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới
Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới diễn ra ngay sau lễ mít tinh. Các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn chia sẻ về định hướng phát triển bền vững cho các Khu Dự trữ sinh quyển trên thế giới, bài học kinh nghiệm thế giới với Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý và kế hoạch phát triển mạng lưới Khu Dự trữ sinh quyển trong tương lai.
Quản lý bền vững các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tham gia tích cực của Bộ, ngành và địa phương, cũng sự hỗ trợ quan trọng từ các bên liên quan; trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UNESCO và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (viết tắt là dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện từ năm 2020 đến 2024 mang lại kết quả đáng kể trong việc tăng cường khung pháp lý về phát triển và quản lý bền vững các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, tăng cường phục hồi và quản lý bền vững cho hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng, biển thuộc các Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai và nâng cao sinh kế cho hơn 3.100 hộ gia đình tại địa phương.
Bên cạnh những thành công, đóng góp của Khu Dự trữ sinh quyển đối với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội, việc quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức cần giải quyết. Các khó khăn này bao gồm các bất cập vẫn tồn tại trong điều phối liên ngành; nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực còn hạn chế; việc tăng cường sự tham gia và gắn kết cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong quản lý tài nguyên thiên nhiên còn chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả. Tại một số khu vực, người dân vẫn thiếu thông tin và chưa nắm rõ và phát huy vai trò trong bảo tồn và phát triển sinh kế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là đầu mối quốc gia sẽ tiếp tục dẫn dắt trong việc trao đổi, thảo luận với các bên liên quan tại Trung ương và địa phương, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chính sách về phát triển và quản lý bền vững các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Qua đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chung sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong các thập kỷ tiếp theo./.
Hoàng Vân