A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hệ thống trường chuyên phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục

Sáng 21/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Cùng dự tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ; lãnh đạo các trường Đại học có trường chuyên.

Điểm cầu tại các tỉnh thành có lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố; lãnh đạo sở ban ngành của tỉnh/thành; lãnh đạo đại học, trường đại học có trường chuyên; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc…

Trường chuyên thể hiện được vai trò tiên phong

Báo cáo tóm tắt công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên.

Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 và có chất lượng giáo dục cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường: thiết bị dùng chung và thiết bị dạy học môn chuyên phục vụ cho giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.

Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường chuyên về cơ bản đã có chuyển biến đáng kể về chất lượng. So với trường THPT bình thường khác, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của trường chuyên đã có những bước đột phá về trình độ đạo tạo, năng lực chuyên môn. Đây cũng là thành tựu nổi bật đáng ghi nhận khi triển khai thực hiện Đề án.

Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực. Các nhà trường đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh, dần tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại trong khu vực và trên thế giới… Trường chuyên đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, chủ động, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý.

Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.     

Sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở đại học tuy còn hạn chế nhưng đã có bước phát triển tích cực; học sinh có năng khiếu nổi bật được vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã có quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng đối với những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và trong các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Các trường đại học đã hỗ trợ tích cực cho học sinh các trường THPT chuyên trong việc nghiên cứu khoa học.

Về hợp tác quốc tế: Gần 1/3 số trường chuyên trên cả nước hợp tác với cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường chuyên. Hợp tác quốc tế trong giảng dạy ngoại ngữ tại các trường chuyên từng bước được đẩy mạnh.

Nguồn lực đầu tư cho trường chuyên đạt được kết quả tốt. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm đầu tư nguồn lực từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng mới các trường THPT chuyên hiện đại nâng tầm khu vực. Ngoài ra một số địa phương đã huy động được nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ Báo cáo tóm tắt công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”.
Chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường THPT khác học tập.     

Mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế như:

Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Việc xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác.

Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn; việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng. Việc hợp tác giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài còn chưa có tính chủ động cao.

Điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiếp tục phát huy những thành quả của trường chuyên

Trong giai đoạn tới, hệ thống trường chuyên cần tiếp tục phát huy những thành quả hiện có để đảm bảo các mục tiêu.

Theo đó, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hoàn thiện bổ sung tăng cường các thiết bị dạy học hiện đại, trang bị các nguồn học liệu mở đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình chuyên sâu. Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng thời, đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của trường chuyên phù hợp với xu thế thời đại mới: xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo ngoài việc phát triển giáo dục mũi nhọn cần tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đổi mới quản lý tổ chức hoạt động của nhà trường để các trường chuyên trở thành hình mẫu về phát huy quyền/ trách nhiệm tự chủ về chuyên môn của nhà trường và giáo viên; vai trò tự chủ của học sinh/ tập thể học sinh gắn với các câu lạc bộ khoa học của học sinh.

Cùng với đó, xây dựng Khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường chuyên nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thu hút xã hội hóa, tăng cường liên thông giữa giáo dục chuyên sâu và Đại học, tăng cường hợp tác quốc tế.

Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Ảnh minh họa/ITN.

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032” nhằm tiếp tục đổi xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hệ thống trường chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Bộ, ngành, địa phương hằng năm và trong từng giai đoạn.

Các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án mới, xây dựng các nội dung Đề án mới thành chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế: huy động, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Đề án; phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc chi kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện việc ban hành các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường trung học phổ thông.              

Các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của hệ thống trường chuyên nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước.

Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện tích mở rộng cho trường chuyên, đảm bảo trường chuyên đạt chuẩn quốc gia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo