"Thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa": Nhân vật quần chúng nhỏ bé trong phim nhưng là người làm nghề đặc biệt thời xưa
Đêm tối trên đường vắng, một người đàn ông đánh kẻng, miệng hô: “Thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa”.
Người đánh canh, hay còn gọi là canh phu, chính là một nghề rất quan trọng trong thời xưa ở Trung Quốc.
Canh phu xuất hiện sớm nhất ở thời nhà Tần, nhưng đến nhà Hán mới trở thành một nghề chính thức và phổ biến trong dân gian.
Thông thường, canh phu là một nhóm hai người, làm việc vào lúc giữa đêm. Hai người phối hợp với nhau, vừa tăng cường hiệu suất làm việc vừa có thể hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, một người cầm đèn soi đường, một người cầm kẻng hoặc ống trúc, hai người vừa đi vừa hô.
Hành động canh phu dùng gậy đánh vào kẻng hoặc ống trúc để tạo tiếng vang gọi là đánh canh.
Vì được thuê bởi quan phủ địa phương nên canh phu cũng chính là “nhân viên công vụ” theo như cách gọi của thời nay. Yêu cầu để làm nghề này là phải có sức khỏe tốt, càng trẻ càng được ưu tiên.
Theo sử liệu, canh phu sẽ gõ 5 hồi mỗi đêm, mỗi lần cách nhau 2 giờ đồng hồ. Sau khi mặt trời xuống núi, canh phu bắt đầu làm việc, 7 giờ tối là hồi canh đầu tiên.
Ở thời hiện đại, 7h tối là thời gian ăn cơm, còn lâu mới đến giờ ngủ. Nhưng ở thời xưa, lúc này trời đã tối đen, người ta ăn cơm xong thì leo lên giường đi ngủ. Tiếng đánh kẻng gõ trúc đầu tiên của canh phu vào lúc 7h tối cũng là âm thanh nhắc nhở mọi người nhanh chóng làm hết việc dang dở, chuẩn bị yên giấc.
Canh thứ nhất, cẩn thận củi lửa
Đối với bách tính thời bấy giờ, lửa không phải là thứ để chơi. Hồi kẻng tiếng gõ trúc đầu tiên trong đêm vang lên, nhắc nhở mọi người trước khi đi ngủ thì phải dập tắt hết lửa nến, lừa lò, phòng ngừa hỏa hoạn. Nhà cửa ngày xưa hầu như đều được xây bằng chất liệu gỗ và rơm, rất dễ bắt lửa. Một khi ngọn lửa bén lên mất kiểm soát, hậu họa khôn lường.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ta thường có xu hướng leo lên giường ngủ ngay với cái bụng no. Do đó, nhắc nhở mọi người dập tắt tất cả củi lửa trước khi ngủ là điều vô cùng quan trọng.
Canh thứ hai, mau chóng đi ngủ
Hồi kẻng vang lên vào lúc 9h tối, cũng là lúc bách tính nên yên giấc. Thế nhưng thời nào cũng vậy, đều có những người cố thức đêm. Người mẹ chăm con nhỏ, người vợ vá quần may áo… Chăm chú luôn tay bên ánh nến lập lòe, thời gian trôi qua lúc nào không hay.
Người xưa đa phần không có thói quen ngủ nướng trên giường, họ thường dậy rất sớm. Do đó ngủ sớm, đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi ngày là chuyện quan trọng không nên lơ là.
Canh thứ ba, xua đuổi trộm cướp
Hồi kẻng thứ ba vang lên đã là 11 giờ khuya. Đêm hôm vắng vẻ, cũng là thời gian lý tưởng để bọn trộm hành sự.
Nghe hồi kẻng vang vọng này, bọn trộm ít nhiều cũng sợ hãi, dè chừng hơn. Canh phu đi khắp con đường ngõ hẻm cũng xem như thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Bọn trộm đa phần cố gắng lẩn trốn để không bị canh phu bắt gặp vì họ vốn dĩ cũng là “nhân viên” của quan phủ.
Hồi kẻng thứ tư vang lên vào lúc 1 giờ sáng, cũng là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất.
Canh phu hô: “Giờ Sửu, trời đất lạnh giá”. Nhắc nhở mọi người chú ý nhiệt độ, kiểm tra lại các cửa có đóng chặt hay chưa để tránh gió lạnh độc hại lùa vào.
Được biết giờ Sửu là thời gian từ 1h đến 3 giờ sáng. Lúc này, công việc của canh phu đã gần như hoàn thành.
Canh thứ năm, hoàn thành nhiệm vụ
Hồi kẻng thứ năm vang lên cũng là lúc trời bắt đầu dần sáng. Canh phu hô: “Giờ Dần canh năm, ngủ sớm dậy sớm, giữ gìn sức khỏe”. Đây cũng chính là “âm thanh báo thức” để người dân thức dậy rời giường, bắt đầu ngày mới.
Do đó, phiên làm việc của canh phu cũng như chiếc đồng hồ giúp người dân nắm rõ thời gian.
Ngoài ra canh phu còn có nhiệm vụ tuần tra, giữ an ninh trật tự trong khu vực. Ngoài việc đuổi trộm bắt cướp, họ còn nhắc nhở những thanh niên lêu lổng ngoài đường giữa trời khuya, thậm chí có thể bắt nhốt vào nhà giam nếu người này làm chuyện quá đáng, không hợp tác.
Nói cách khác, canh phu chính là người mang đến cho bách tính cảm giác an toàn về đêm.
Nguồn: 163