Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vì sự phát triển xanh và bền vững
*Giải quyết triệt để ô nhiễm các làng nghề
Với phương châm "không đánh đổi kinh tế lấy môi trường", "không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, Bắc Ninh không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường; không thể vì một bộ phận nhỏ mà để ảnh hưởng tới sự phát triển chung. Tỉnh sẵn sàng, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề, cụm công nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.
Dựa trên Đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025”, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thông qua Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”. Với quyết tâm cao, đến nay vấn đề ô nhiễm tại 2 làng nghề Phong Khê và Văn Môn đã dần được xóa bỏ.
Làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn có lịch sử tồn tại gần 100 năm. Đây là làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường trầm trọng thời gian qua. Để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện. Từ ngày 8/11, Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong cụm.
Chỉ trong khoảng 30 ngày cao điểm vào cuộc của lực lượng chức năng, ô nhiễm môi trường ở làng nghề Mẫn Xá đã được xử lý triệt để, toàn bộ hoạt động sản xuất của làng nghề dừng hoạt động, các hộ dân đều đồng thuận phá dỡ lò đốt. Hiện nay, 207/207 cơ sở, hộ gia đình, cá nhân cô đúc nhôm, tái chế kim loại trong làng nghề đã dừng hoạt động; tự nguyện tháo dỡ 382 lò đốt kim loại, 327 ống khói. Trong cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, 94/94 cơ sở, doanh nghiệp dừng hoạt động, cụm công nghiệp dừng hoạt động đến khi bảo đảm các yếu tố môi trường theo đúng quy định mới được phép hoạt động trở lại.
Hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp, làng nghề được chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Đức Thịnh, để ô nhiễm môi trường làng nghề Văn Môn không tái diễn, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xã Văn Môn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hộ cô đúc nhôm có biểu hiện tái diễn nhằm xử lý dứt điểm, không để tái diễn.
Tại Phong Khê, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, 228 cơ sở sản xuất giấy dừng hoạt động, toàn bộ cơ sở sản xuất trong khu dân cư và ngoài Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2 dừng hoạt động. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh Nguyễn Thị Hồng Linh cho biết, thành phố đã hoàn thành việc kiểm tra, xử lý, dừng toàn bộ các cơ sở trong khu vực làng nghề. Hiện nay, thành phố Bắc Ninh bắt đầu tiến hành kiểm tra, xử lý về lĩnh vực môi trường, an toàn điện tại các cơ sở trong Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2 với định hướng, chủ trương của tỉnh và thành phố là xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường.
*Biến rác thải thành năng lượng, phục vụ sản xuất
Bên cạnh việc rốt ráo xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã có chiến lược dài hạn xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Mỗi ngày, tỉnh Bắc Ninh phát sinh khoảng hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt và hàng trăm tấn rác thải công nghiệp. Trước thực trạng đó, tỉnh đã xây dựng các lò đốt rác để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt, đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng trên địa bàn.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 4 nhà máy xử lý chất thải rắn phát năng lượng tại các huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài với tổng công suất khoảng 1.800 tấn/ngày, đêm. 4 Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng đã đi vào vận hành và vận hành thử nghiệm, công suất xử lý hơn 1.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, đêm; công suất phát điện hơn 30kw/h, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương tiên phong của cả nước về thực hiện xã hội hóa đốt rác công nghệ cao phát năng lượng.
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý được thực hiện bài bản, khoa học và giám sát chặt chẽ. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhằm thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, Bắc Ninh có những đơn vị tái chế, biến rác thải công nghiệp thành nhiên liệu phục vụ sản xuất. Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tại đây, phế liệu công nghiệp đã được chế biến thành những vật dụng hữu ích, vừa góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho sản xuất.
Ông Đoàn Văn Hữu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành, cho biết, công ty đã đầu tư và vận hành các hệ thống xử lý, tái chế các bao bì nhôm và bao bì nhựa theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Nhôm phế liệu (bao gồm cả vỏ bao bì) chủ yếu được thu gom từ các nhà máy sản xuất, các vựa phế liệu làng nghề về công ty phân loại, nấu chảy thành phôi nhôm theo các tiêu chuẩn đặt hàng của khách hàng. Hiện nay, công suất tái chế phôi nhôm của nhà máy khoảng 70 tấn/ngày. Nhựa phế liệu (bao gồm cả các bao bì nhựa như chai lọ pet, thùng phuy, can nhựa…) được phân loại, xử lý hết các thành phần bám dính (tạp chất cặn bã, keo, hóa chất, dầu…), sau đó được đưa vào máy nghiền, máy đùn tạo hạt nhựa tái sinh, cung cấp cho các cơ sở sản xuất nhựa làm nguyên liệu sản xuất. Công suất tái chế nhựa 50 tấn/ngày.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển xanh và bền vững của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quyết liệt trong xử lý ô nhiễm môi trường và rác thải tồn đọng; xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở đang hoạt động bảo đảm đủ điều kiện mới được tiếp tục sản xuất. Các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, hoàn thành chậm nhất, ngày 31/3/2025 để tổ chức triển khai./.
Đỗ Huyền