A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

COP29 - sẽ có đột phá về tài chính khí hậu

 

Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) đã khai mạc tại Thủ đô Baku, Azerbaijan và sẽ kéo dài đến ngày 22/11, với sự tham gia của hơn 51.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia. Mục tiêu chính của COP29 là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP29 diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự đoán “gần như chắc chắn” sẽ vượt qua năm ngoái để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử và thế giới tiếp tục đối mặt các hậu quả thảm khốc từ các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng dữ dội, sự kiện này là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh thế giới gửi tín hiệu về cách họ sẽ tăng cường các cam kết khí hậu quốc gia và thực hiện các cam kết trong quá khứ; đồng thời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon - khởi đầu thuận lợi

Trong ngày đầu tiên của hội nghị hôm 11/11, các quốc gia tham dự hội nghị COP29 đã nhất trí thông qua các tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ carbon. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu do LHQ hậu thuẫn nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, qua đó ngăn tình trạng nóng lên toàn cầu đang rất nghiêm trọng hiện nay.

COP29 - sẽ có đột phá về tài chính khí hậu - Ảnh 1

COP29 diễn ra tại Baku, Azerbaijan

Tín chỉ carbon hay còn gọi là chứng nhận phát thải khí nhà kính, là một công cụ kinh tế được sử dụng để quản lý lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác. Một tín chỉ tương đương với một tấn dioxide carbon giữ nhiệt được ngăn ngừa hoặc loại bỏ. Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, LHQ đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín chỉ trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán tín chỉ carbon tự nguyện gặp nhiều khó khăn do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Do đó, các tiêu chuẩn được thông qua tại Baku được hy vọng sẽ cho phép phát triển những quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín chỉ mà một dự án nhất định có thể nhận được.

Chủ tịch COP29, Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan Mukhtar Babayev ca ngợi đây là “bước đột phá quan trọng”, giúp giải phóng tới 250 tỷ USD chi tiêu một năm để hỗ trợ các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Một khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia, chủ yếu là các quốc gia giàu gây ô nhiễm, bù đắp lượng khí thải bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính vượt mức đã cam kết. Các quốc gia mua khí thải sau đó có thể sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết trong kế hoạch quốc gia. Song ông Mukhtar Babayev lưu ý rằng, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn, một số quy tắc cơ bản quan trọng đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng các khía cạnh quan trọng khác, như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.

Mục tiêu mới về tài chính khí hậu

Tại cuộc họp báo hôm 12/11, các quan chức COP29 cho biết, mục tiêu chính của hội nghị là đạt thỏa thuận trị giá lên hàng trăm tỷ USD nhằm cung cấp “tài chính khí hậu” hằng năm cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Đây vốn là vấn đề gây nhiều tranh cãi do mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên liên quan.

Cụ thể, tại COP29, các quốc gia được kỳ vọng sẽ thay thế cam kết dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển mà các bên đã nhất trí tại Hội nghị diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Mục tiêu mới mang tên “Mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu” (NCQG) sẽ được thảo luận tại COP29 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2025. Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ cùng đánh giá lại số tiền cũng như loại hình tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo tại COP29 trong ngày khai mạc hôm 11/11  

Các nhà lãnh đạo tại COP29 trong ngày khai mạc hôm 11/11  

Các nhà quan sát nhận định, việc đặt ra một mục tiêu tham vọng hơn là rất cần thiết để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như xây dựng khả năng phục hồi trước những tác động ngày càng trầm trọng của khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển không thể thực hiện hoặc củng cố các cam kết về khí hậu của mình nếu không có mục tiêu này. Trong 3 năm qua, dù các quốc gia đã tham gia vào một loạt các cuộc đối thoại kỹ thuật nhằm định hình NCQG; tuy nhiên các câu hỏi cơ bản về quy mô và cấu trúc của mục tiêu vẫn còn bỏ ngỏ. Tại Baku, các nhà đàm phán và các nhà lãnh đạo chính trị được kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận.

Giới quan sát nhận định, COP29 mang đến một cơ hội lịch sử để thúc đẩy tham vọng khí hậu toàn cầu. Một kết quả tài chính mạnh mẽ ở Baku sẽ giúp tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, có các nguồn lực cần thiết để theo đuổi phát triển ít carbon, hỗ trợ cộng đồng và người lao động cũng như bảo vệ nền kinh tế khỏi các mối đe dọa khí hậu đang leo thang.

Hướng tới khép lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch

Bên cạnh tài chính khí hậu, một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm là cam kết chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch - kết quả quan trọng đã đạt được tại COP28. Tại Hội nghị COP28, thế giới đã nhất trí dần khép lại kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 trên toàn thế giới. Mục tiêu này cần các khoản đầu tư rất lớn. Trong chương trình nghị sự tại COP29, các quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận về tiến độ thực hiện cam kết kể trên, trong bối cảnh Trái Đất vẫn đang nóng lên từng ngày. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là tới hạn chót cho các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật để giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.

Bên cạnh đó, hội nghị COP29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Điểm nhấn là Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh về nâng cao tham vọng và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng UAE; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 - 2035 (NDC 3.0). Theo các nhà phân tích, NDC thế hệ tiếp theo nên bao gồm các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mới trên toàn nền kinh tế cho năm 2035 và các mục tiêu mạnh mẽ hơn cho năm 2030, cùng nhau đưa thế giới đi đúng hướng để hạn chế nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Dư luận quan tâm điều gì?

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là sự bất đối xứng trong hỗ trợ tài chính giữa các nước phát triển và đang phát triển. Nhiều quốc gia kêu gọi cần có cam kết mạnh mẽ hơn từ các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu, nhằm tránh khủng hoảng nợ cho các nước nhận viện trợ.

Bên cạnh đó, dư luận quốc tế đang đặc biệt quan tâm đến việc COP29 có đưa ra khung đánh giá minh bạch hay không, đây chính là bước tiến quan trọng để bảo đảm các quốc gia sẽ thực hiện đúng cam kết của mình; cũng như vấn đề làm thế nào để bảo đảm rằng các quốc gia đang phát triển - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu sẽ được hỗ trợ một cách công bằng.

Với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ nhiều nước trong đó có các nguyên thủ quốc gia, COP29 không chỉ là nơi trao đổi chính sách mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Có thể nói rằng, việc có cơ chế giám sát cụ thể nào cho những cam kết mới sẽ được thông qua tại COP29 được đề xuất hay không đang được trông chờ. Khung minh bạch không chỉ giúp các nước phát triển theo dõi dòng tiền mà còn bảo đảm sự tin tưởng giữa các bên liên quan.

Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như lũ lụt và hạn hán, đã khiến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế phải chịu một sức ép lớn, dẫn đến mong mỏi kế hoạch đối phó kịp thời, đi đôi với việc bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ được đưa ra. Những cam kết tài chính khí hậu và hành động thực tiễn sẽ được đề cập ở hội nghị sắp tới không chỉ phản ánh quyết tâm của cộng đồng quốc tế, mà còn đặt nền móng cho sự hợp tác bền vững, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe toàn cầu trong những thập kỷ sau.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo