Thói quen 'bào mòn' dạ dày của nhiều người Việt, khiến hệ tiêu hoá tổn thương, viêm loét
Ăn đúng giờ, đủ lượng và cân bằng về chất sẽ giúp bạn có một sức khoẻ tốt. Nếu việc ăn uống không đúng giờ liên tục xảy ra, điều này sẽ thành một thói quen gây hại cho dạ dày.
Hiện nay, trên thế giới có 2 quan điểm khác nhau về bữa ăn sáng. Quan điểm thứ nhất coi bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Vì sau 8 tiếng ngủ, cơ thể cần năng lượng để giúp cho bộ não tỉnh táo hơn. Bữa sáng sẽ giúp cho cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động cả ngày hiệu quả.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng bữa sáng chỉ đơn giản là một bữa ăn; việc ăn sáng hay không sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng và cách sống.
Trong thực tế, nhiều người sau khi thức dậy có cảm giác chưa muốn ăn, thậm chí là làm nhiều công việc khác sau đó mới ăn bữa sáng.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), xét về khía cạnh thời gian ăn sáng, nhiều người đang thực hiện chưa thật sự khoa học và hợp lý. Hiện nay, phần lớn mọi người đang ăn bữa sáng khá "tùy tiện" về mặt thời gian. Ví dụ, với nhóm dân văn phòng, buổi sáng sau khi thức dậy thường đến nơi công sở làm việc, họp hành, báo cáo công việc sau đó mới đi ăn sáng. Cách ăn này cứ thực hiện từ ngày này, sang ngày khác và lâu dần thành thói quen.
Hay như người cao tuổi thường dậy khá sớm nhưng sau khi vệ sinh cá nhân xong thường đi tập thể dục buổi sáng. Sau khi tập xong trên đường họ sẽ ăn sáng luôn hoặc về nhà mới ăn.
PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo thói quen ăn sáng "tuỳ tiện" về mặt thời gian có thể ảnh hưởng tới dạ dày và năng suất làm việc. Bữa sáng rất quan trọng và cần thiết với mọi người, mọi người nên thực hiện ăn sớm sau khi ngủ dậy, vệ sinh cá nhân xong. Do đa số mọi người đều nhịn trong khoảng 8 đến 10 tiếng vào ban đêm, khi thức dậy dạ dày trống rỗng, dịch vị axit nhiều nên việc ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy là rất cần thiết để bảo vệ dạ dày.
Nên tránh thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ vào buổi sáng, ảnh minh hoạ.
"Việc làm việc trước khi ăn sáng sẽ khiến dịch vị axit tiết ra càng nhiều, lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày dẫn tới tình trạng viêm", bác sĩ Lâm phân tích.
Cũng theo PGS.TS Lâm, riêng đối với người cao tuổi, vào buổi sáng khi thức dậy thường có cảm giác khó ăn uống nhưng không nên nhịn ăn. Đối tượng này có thể ăn lót dạ nhẹ hoặc uống một ly sữa trước khi đi tập thể dục. Với nhóm tuổi khác, nên ăn sáng sớm sau khi ngủ dậy để nạp thêm năng lượng cho cơ thể.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, bữa sáng nên ăn sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút. Trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Tránh thực phẩm chiên xào trong bữa sáng
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, nếu để thời gian dạ dày bị trống rỗng quá dài, trí tuệ cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là khi năng lượng cạn kiệt mà không nạp đủ, trí tuệ kém minh mẫn, hiệu quả làm việc kém, thậm chí còn có thể gặp một vài vấn đề khác như chóng mặt, hạ đường huyết, hơi thở có mùi hôi…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn sáng tốt cho sức khoẻ cần phải có tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Mọi người nên tránh ăn đồ chiên, xào, đồ ngọt, chất béo vào buổi sáng vì có thể gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, mọi người cũng không nên ăn đồ đông lạnh, uống nước ép lạnh vào buổi sáng, thay vào đó nên dùng thực phẩm ấm nóng. Vào buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, lâu dài có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo thêm mọi người không nên ăn bữa tối quá muộn. Thời gian tốt nhất để ăn bữa tối là trước 19h và đi ngủ trước 23h.
https://soha.vn/thoi-quen-bao-mon-da-day-cua-nhieu-nguoi-viet-khien-he-tieu-hoa-ton-thuong-viem-loet-20220608141859231.htm