Nở rộ trò lừa đảo mạo danh ngân hàng, cho vay lãi suất thấp
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhan nhản quảng cáo mạo danh các ngân hàng lớn cho vay với lãi suất thấp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người vay.
Cho vay qua “Messenger, Zalo”
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các bài quảng cáo có tên, logo ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, MB bank… cho vay hàng trăm triệu đồng lãi suất thấp , chỉ cần có Chứng minh thư (CMT), Căn cước công dân (CCCD), số điện thoại.
Để tìm hiểu, phóng viên liên hệ với tài khoản tên Linh giới thiệu là nhân viên Vietcombank cho vay vốn làm ăn, mở cửa hàng với lãi suất 1%/tháng. Tài khoản này cho biết thông tin các khoản vay đang có ưu đãi như gói vay tiêu dùng từ 30-100 triệu đồng, gói vay kinh doanh 30-500 triệu đồng.
“Em sẽ hỗ trợ đăng ký và giải ngân chỉ trong vòng 15 phút. Có đến 95% khách hàng đăng ký và được duyệt hồ sơ” - tài khoản Linh thông tin.
Sau khi lựa chọn gói vay, tài khoản này gửi đường dẫn http://sites.google.com/view/hoan-myaa để khách hàng truy cập đăng ký hồ sơ. Tại đây, khách hàng sẽ tạo tài khoản đăng nhập bằng số điện thoại, mật khẩu và chọn các khoản vay từ 30 - 200 triệu đồng cùng thời hạn trả lãi lên tới 12 tháng.
Tiếp đó, tài khoản Linh hướng dẫn, nhập thông tin tài khoản ngân hàng thụ hưởng như (tên ngân hàng, tên chủ tài khoản, số tài khoản) và tích vào ô xác nhận khoản vay, ký tên. Đặc biệt, sau khi đăng ký vay xong phải liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng để giải ngân khoản vay (ở đây là tài khoản Linh).
Trong thời gian này, tài khoản Linh liên tục hối thúc khách hàng đăng ký để nhân viên kiểm tra và duyệt. “Sắp đến giờ giải ngân, nếu muộn hồ sơ sẽ không được duyệt" - tài khoản này giục khách hàng.
Theo tìm hiểu của PV, các tài khoản mạng xã hội này đều là “ảo”, không có thông tin cá nhân và chỉ đăng các bài quảng cáo cho vay bằng hình thức tín chấp với lãi suất thấp...
Liên tiếp các vụ lừa đảo khi vay tiền
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành cơ quan công an nhận được đơn trình báo về việc bị chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua mạng xã hội. Trong đó, có người bị lừa số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng xấu đã đánh trúng vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện và lợi dụng uy tín của các ngân hàng, tổ chức tài chính để giả mạo làm nhân viên đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền trên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, khi người dân đồng ý làm thủ tục vay tiền, “tư vấn viên” yêu cầu phải nộp các khoản phí giải ngân, bảo lãnh thì mới nhận được số tiền. Thậm chí, có trường hợp các đối tượng sẽ sửa số tài khoản của khách hàng và thông báo đã giải ngân tiền vào tài khoản sai là do “lỗi của khách hàng”, rồi tiếp tục yêu cầu nộp thêm tiền… hoặc chiếm đoạt số tài khoản và rút tiền trong đó.
Bên cạnh đó, các đường link hướng dẫn vay tiền do các đối tượng gửi, chỉ một thời gian ngắn sau sẽ “biến mất” và không thể truy cập được.
Mới đây nhất, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt giữ 7 đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cầm đầu là Nguyễn Hồng Sơn (SN 2001, tạm trú tại Gia Lâm, Hà Nội).
Các đối tượng giả danh ngân hàng TMCP Techcombank, đăng bài viết trên Facebook cho vay lãi suất thấp, không cần xác minh, giải ngân trong ngày.
Sau đó, chúng kết bạn với bị hại qua Zalo, lấy thông tin cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng) và đề nghị người chuyển tiền làm hồ sơ vay vốn online cùng tiền bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh… Ban đầu xác định, tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 2 tỷ đồng.
Trước đó, anh T. (trú tại Long Biên, Hà Nội) kết bạn với một người qua ứng dụng Zalo để hướng dẫn làm thủ tục vay tiền. Sau khi cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng bị mất hơn 700 triệu đồng; một nạn nhân khác là bà V. (trú tại Sơn Tây, Hà Nội) mất 130 triệu đồng khi nộp các khoản phí bảo hiểm khi đăng ký khoản vay 300 triệu đồng theo yêu cầu của một tài khoản Zalo.
Công an khuyến cáo
Nói về các thủ đoạn lừa đảo cho vay tín dụng trên mạng xã hội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao thông qua các app (ứng dụng), website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập gần giống các ứng dụng của các tổ chức tín dụng được cấp phép mời chào người có nhu cầu vay vốn và yêu cầu nộp các loại phí nhằm chiếm đoạt.
“Nhiều người dân mặc dù được tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao tuy nhiên khi xảy ra tình huống đối với bản thân lại không cảnh giác” - Thiếu tướng Đào Thanh Hải chia sẻ.
Theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, tài sản các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của bị hại được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau hoặc rút ra nên rất khó thu hồi. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo, sim không chính chủ gây khó khăn trong công tác điều tra của lực lượng chức năng.
“Hiện nay việc mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng vẫn diễn ra đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội dễ dàng tiêu thụ tài sản… do đó cần phải siết chặt quy định và có chế tài đủ sức răn đe với hành vi nêu trên” - Thiếu tướng Đào Thanh Hải nêu quan điểm.
Còn Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu vay vốn nên liên hệ trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được hướng dẫn làm thủ tục.
“Khi vay vốn qua các trang mạng thì khách hàng cần tìm hiểu kỹ đơn vị cho vay và tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng chuyển bất cứ khoản phí hay bảo lãnh khoản vay” - Trung tá Công cho biết.