Nữ bệnh nhân mắc bệnh thần kinh hiếm gặp chưa có cách điều trị
Nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Đồng Nai đến Phòng khám Thần kinh, BV ĐH Y Dược TPHCM khám trong tình trạng tê hai chân, tiểu khó, nhìn mờ.
BSCKII. Đinh Huỳnh Tố Hương tư vấn điều trị cho người bệnh. (Ảnh: BVCC) |
Trước đó, tháng 12/2018, người bệnh bị yếu chân trái, tê từ gối xuống bàn chân trái, cảm giác nóng. Hai tháng sau, cảm giác tê lan sang chân phải, có lúc thuyên giảm.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xơ cứng rải rác, chỉ định nhập viện truyền Methylprednisolone và thuốc điều trị triệu chứng. Hai tuần sau, các triệu chứng thuyên giảm, người bệnh trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Tuy nhiên đến tháng 5/2022, người bệnh đột ngột bị méo miệng sang trái, mắt phải nhìn mờ.
Sau khi thực hiện điện thế gợi thị giác, bác sĩ phát hiện tổn thương thần kinh thị mắt phải kiểu mất Myelin ở trước giao thoa thị giác.
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện truyền Methylprednisolone. Sau điều trị, người bệnh tỉnh, thỉnh thoảng tê tay trái, thị lực phục hồi tốt, không yếu liệt chi, có thể đi lại và làm việc bình thường.
Hiện tại, người bệnh vẫn tái khám định kỳ tại BV ĐH Y Dược TPHCM với sức khỏe ổn định.
TS. BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, xơ cứng rải rác là một bệnh hiếm gặp của hệ thần kinh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi 30 (từ 20-40 tuổi), tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn 2-3 lần so với nam giới.
Đây là bệnh lý mạn tính, có thể tiến triển gây khuyết tật như đi lại khó khăn phải dùng dụng cụ hỗ trợ, giảm thị lực theo thời gian nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Hiện y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên các yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch có liên quan đến căn nguyên bệnh.
BSCKII. Đinh Huỳnh Tố Hương, Khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, có các lựa chọn điều trị giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các thuốc điều chỉnh bệnh có vai trò làm chậm sự tiến triển của bệnh, làm giảm tỷ lệ tái phát và giảm xuất hiện các tổn thương mới.
"Người bệnh nên duy trì chế độ ăn khỏe mạnh bao gồm tăng lượng trái cây và rau quả, giảm thực phẩm chế biến và đường tinh luyện, ngưng hút thuốc (nếu có), tập thể dục thường xuyên. Hiện có nhiều bài tập dành cho người bệnh xơ cứng rải rác tùy thuộc vào mức độ khuyết tật", bác sĩ Hương khuyến cáo.