Những lý do không thể áp dụng phương pháp dọn dẹp của Marie Kondo vào cuộc sống
Có không ít người từng áp dụng phương pháp KonMari nhưng không thành công.
“Thánh nữ dọn nhà” Marie Kondo nổi tiếng khắp thế giới nhờ các phương pháp dọn dẹp độc đáo. Câu nói kinh điển của cô là “nếu bạn cầm thứ gì đó và nó không ánh lên niềm vui, hãy nói cảm ơn và ném vào thùng rác”.
Cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới về lối sống tối giản của người Nhật. Các chuyên gia cũng đánh giá cao phương pháp KonMari. Tuy nhiên, KonMari phổ biến ở Nhật không có nghĩa là phương châm này cũng có thể áp dụng một cách tương tự ở Mỹ hoặc Việt Nam.
Nếu bạn từng áp dụng phương pháp KonMari nhưng không thành công, đừng tự trách mình bởi cũng có không ít người đã từ bỏ. Dưới đây là một số lý do vì sao KonMari có thể không dành cho bạn.
Sự khác biệt địa lý, văn hóa
Thần đạo của Nhật Bản tồn tại một khái niệm là Kegare (tạp chất, bụi bẩn). Kegare mang đến bệnh tật nên người Nhật đề cao việc dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp phủi sạch Kegare. Ngoài ra, Thiền tông phật giáo (Zen) của Nhật thì nhấn mạnh vào việc từ bỏ những sự vật, sự việc quanh mình để kiếm tìm sự tĩnh lặng, minh triết trong tâm trí. Triết lý tối giản được truyền cảm hứng rất nhiều bởi 2 quan niệm này nên người Nhật cũng dễ dàng theo đuổi lối sống tối giản.
Về phương diện địa lý, theo tờ Insider, Nhật Bản hứng chịu động đất nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Vì thế mà người Nhật càng cần tránh lối sống tích trữ đồ đạc. Naoki Numahata, một nhà văn ở Nhật, nói với Reuters: “30 đến 50% thương tích do động đất xảy ra do vật thể rơi xuống”.
Có thể thấy lối sống tối giản của người Nhật không phải tự nhiên được phát minh ra trong thời kỳ hiện đại mà từ lâu đã ăn sâu vào đời sống. Ở nhiều quốc gia, người dân có thể gặp khó khăn trong việc vứt bỏ đồ đạc do từ xưa đến giờ, gia đình, tổ tiên của họ đã quen với việc tích trữ, tiết kiệm, sưu tầm. Hơn nữa, điều kiện địa lý cũng không buộc họ phải bỏ bớt đồ vật đi.
Nói lời cảm ơn đồ vật có thể hơi kỳ cục với một số người
Quan điểm cảm ơn đồ vật rồi vứt đi của Kondo cũng có nguồn gốc từ tín ngưỡng Nhật Bản. Người Nhật cổ tin rằng vạn vật đều chứa linh hồn. Trong phương pháp của KonMari, khi bạn cảm thấy đồ vật nào không còn hữu ích nữa, bạn sẽ nói cảm ơn đồ vật đó rồi vứt đi.
Quan điểm này nghe có thì có vẻ thú vị nhưng không dễ thực hiện cũng vì khác biệt văn hóa, tôn giáo. Một cây bút có tên Dinnie Muslihat viết trên Medium, mặc dù cô rất hâm mộ Marie Kondo và thích cách cô thể hiện sự biết ơn với tài sản của mình, nhưng lại thấy bản thân mình không phù hợp với phương pháp trên.
“Sự kiện đặc biệt” đòi hỏi đầu tư thời gian
KonMari khuyên bạn nên biến việc dọn dẹp thành “sự kiện đặc biệt”. Bạn sẽ phải rà soát các ngóc ngách trong nhà và chọn ra từng món đồ, sau đó phân loại chúng. Vấn đề là cách làm này chỉ hợp với người có nhiều thời gian, đang sống độc thân hoặc người có nhà cửa không quá rộng lớn.
Đối tượng cha mẹ mới sinh con khó có thể dành thời gian để tổng vệ sinh quy mô lớn. Cách tốt nhất với họ là mỗi ngày dọn một ít. Mới đây, chính Marie Kondo cũng thừa nhận cô không còn ngăn nắp như trước vì việc chăm con đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức.
Không thể làm một lần là xong
Theo phương pháp KonMari, sau khi hoàn thiện một đợt dọn dẹp quy mô lớn, mọi thứ đã được sắp xếp quy củ, ngăn nắp, bạn sẽ không cần phải lo lắng nữa vì không gian sống của bạn từ giờ trở đi sẽ luôn “vào nếp” và gọn gàng.
Nhận định này có phần “nói quá”, bởi thực tế dọn dẹp là việc phải duy trì thường xuyên, thậm chí hằng ngày. Nhiều người trong chúng ta rất thường mua, tích trữ đồ mới, và trong những lúc bận rộn, ta sẽ quên chú ý đến việc giữ đồ ngăn nắp. Khoảng 3 lần mỗi năm, bạn nên rà soát tủ quần áo và các không gian khác để dọn sạch mọi thứ. Không thể chỉ dọn một lần là xong.
Vứt bỏ đồ đạc nhưng cũng cần xét đến tình hình kinh tế
Để cảm thấy thoải mái khi vứt bỏ tất và túi xách cũ, bạn cũng cần cảm thấy tự tin rằng mình có thể dễ dàng mua được những chiếc tất và túi xách mới. Vấn đề là không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để thay đồ mới thường xuyên. Hơn nữa, khi đồ cũ trở nên không dùng được, vẫn có cách để tái chế và biến nó thành đồ dùng hữu ích.
Sách có ý nghĩa rất lớn
Kondo tin rằng một khi bạn đã đọc một cuốn sách, khả năng bạn đọc lại là rất thấp. Quan điểm này đụng chạm đến cộng đồng yêu sách nói chung, bởi có rất nhiều người đọc lại một cuốn sách nhiều lần. Hơn nữa, một số cuốn sách có ý nghĩa lớn vì có thể nó là phiên bản hiếm, có chữ ký của tác giả, hoặc đơn giản là nó làm thay đổi cuộc đời của một người, thì cho dù không đọc lại nhiều thì họ vẫn có nhu cầu giữ lại.
Hơn nữa, nhiều người đọc sách không phải chỉ để tìm niềm vui, họ cần tìm kiếm một cảm xúc khác, có thể là thứ gì đó thách thức và làm xáo động cảm xúc của họ. Vì vậy mà vứt bỏ cuốn sách không “ánh lên niềm vui” không phù hợp trong trường hợp này.
Mọi người không có chung quan điểm về khái niệm “niềm vui”
Không phải mọi người đều định nghĩa về niềm vui theo cách giống nhau. Đối với đồ dùng cá nhân, hẳn nhiên bạn sẽ dễ vứt đồ đi. Nhưng đồ vật trong gia đình, đôi khi quyết định vứt bỏ đòi hỏi sự tham gia của nhiều hơn một người.
Trang Parent.com đã lấy ví dụ về một gia đình mà người mẹ muốn giữ lại bức vẽ nguệch ngoạc của con vì coi đó là kỷ vật vô giá, trong khi người bố lại không đồng tình và muốn vứt bớt đi. Lúc này hai vợ chồng sẽ phải ngồi lại, cùng thảo luận và cân nhắc để đưa ra quyết định chung.
Đồ cũ vẫn có thể hữu ích trong tương lai
Một lý do nữa khiến phương pháp của Marie Kondo không hiệu quả với các bậc cha mẹ là chăm sóc con cái đôi khi buộc họ phải tiết kiệm và tích trữ rất nhiều. Giai đoạn đầu nuôi dạy trẻ, họ phải mua rất nhiều quần áo, thực phẩm, bỉm sữa, dụng cụ chăm sóc đặc biệt. Sau này khi con lớn, nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ lại quần áo, đồ đạc của đứa trẻ hoặc quần áo bà bầu phòng trường hợp lại sinh thêm em bé.