Giờ cao điểm, xe buýt chỉ di chuyển được 12,7km/h khó hấp dẫn người dân
Tốc độ chuyến đi chậm, thời gian đi lại của hành khách kéo dài trong khu giờ cao điểm, chỉ đạt trung bình 12,7km/h đã khiến tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng trên địa bàn TP vẫn thấp hơn kỳ vọng.
Mới có 19% người dân sử dụng vận tải khách công cộng
Tại buổi tọa đàm “Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?" do Báo Giao thông tổ chức sáng 26/9, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội thông tin, ước tính hết tháng 9/2024, tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý. Mục tiêu đặt ra đến năm 2024, đáp ứng 22-25% nhu cầu đi lại; con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025, đây là con số rất thách thức.
Theo ông Tiến, tốc độ chuyến đi vẫn chậm, thời gian đi lại của hành khách kéo dài trong khu giờ cao điểm, chỉ đạt trung bình 12,7km/h. Tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ chưa được như kỳ vọng, cơ chế chính sách được thành phố ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống là các nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng chưa cao.
Người dân yêu thích di chuyển bằng tàu điện vì tính tiện lợi và đặc biệt là nhanh, đúng giờ |
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) phân tích, phát triển giao thông công cộng gồm 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, giao thông công cộng phục vụ những người không có phương tiện đi lại. Giai đoạn thứ 2 là phương tiện giao thông công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3, phương tiện vận tải công cộng là sự lựa chọn yêu thích của người dân.
“Xe buýt Hà Nội đang đứng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích). Với đường sắt đô thị, do đặc điểm tự nhiên vốn có, hiện đã ở giai đoạn 2 đó là cạnh tranh cả về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi, giá cả”, ông Trường nhìn nhận.
Để vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện) thu hút khách, theo ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội thì cần rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe; chất lượng phương tiện; mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ đi đôi với chất lượng; cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, di chuyển bằng xe buýt chỉ đạt trung bình 13km/h trong khung giờ cao điểm |
Cần cơ chế ưu việt kích hoạt vận tải khách công cộng
Góp ý thêm, ông Vũ Hồng Trường nhìn nhận, giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.
Với đường sắt đô thị, Hanoi Metro sẽ cố gắng chuyển sang giai đoạn trở thành sự lựa chọn đi lại yêu thích của người dân không chỉ vì tính tiện lợi, thời gian, tính an toàn. Đây còn là phương tiện xanh, tiến tới phát triển bền vững, giảm tác động của phương tiện cá nhân đến môi trường.
“Theo xu hướng phát triển tự nhiên, người dân sẽ thích sử dụng phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ chế chính sách kích hoạt tính ưu việt của phương tiện công cộng và kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân một cách hợp lý” ông Trường cho hay.
Về giải pháp, theo ông Trường, TP Hà Nội cần xác định rõ, vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu; tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.