A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cho con học thử 4 trường mẫu giáo, mẹ đưa ra lựa chọn bất ngờ dựa vào 7 nguyên tắc

Việc chọn trường mầm non cho con vô cùng quan trọng, cha mẹ cần sát sao và tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Chị Tú Anh (30 tuổi, sống tại Hải Phòng) là mẹ của 2 em bé Cam và Dứa. Giống như nhiều bà mẹ khác, khi con bước vào độ tuổi đi học mầm non cũng là lúc chị Tú Anh chuẩn bị sẵn tâm lý, thời gian để tìm trường phù hợp nhất. Sau khi tham quan 4 trường mẫu giáo này, bà mẹ 2 con đã đưa ra quyết định khá bất ngờ.

Em bé Cam, con đầu của chị Tú Anh đã được cùng mẹ đi tham quan và học thử ở 4 trường:

- Trường thứ nhất (trường A): Theo như các cô nói là chú trọng phát triển ngôn ngữ, 5 buổi học ngoại ngữ 1 tuần, trường mới mở cơ sở gần nhà, Cam cũng hơi lười nói nên mình khá quan tâm trường này. Nhưng mình hơi vỡ mộng 1 chút, lớp học diện tích khá nhỏ, nhà vệ sinh không được sạch sẽ lắm dù là cơ sở mới. Cửa phòng không có thanh chắn, chốt cửa thì Cam đã có thể tự mở đi ra ngoài, lớp con ở tầng 3 nên sẽ rất nguy hiểm nếu cô giáo không kịp để ý. Đặc biệt cô giáo quát học sinh khá nhiều, mẹ còn giật mình. Có bé khóc, cô chỉ quát không được khóc. Cam đến chỉ chơi một mình rồi lại chạy ra mẹ, 2 cô giáo trẻ nhưng không chủ động gọi con ra chơi. Giây phút đó, trường A bị loại.

- Trường B: Cách nhà khoảng 3km, ở ngay góc ngã 3 nên giờ tan tầm sẽ hơi đông, đi xe ô tô sẽ hơi bất tiện. Phòng học rộng rãi, khoảng 50m2, lớp 8 bé, 2 cô, 1 cô giáo trẻ, 1 cô giáo già kiểu chăm sóc các bạn bé, 2 cô thì nhẹ nhàng, hơi ít nói nhưng cũng chăm sóc các con khá kỹ, sạch sẽ. Cô giáo già xưng bà với các con, thân thiện giống bà ở nhà, hát cũng rất hay, kiểu hát ru các con vậy đó. Tầng 1 có chỗ ngồi để tháo dép, cất lên giá; có khu vận động để phát triển vận động thô. Không có camera trực tuyến cho phụ huynh, nếu muốn xem thì mời phụ huynh đến trường, camera chiếu ở sảnh. Trong lớp có một số giáo cụ Montessori và các loại vật dụng để con phát triển vận động tinh. Giường gỗ sạch sẽ. Thực đơn phong phú.

- Trường C: Trường nằm trong khu đô thị gần nhà, rộng 2.500m2. Phòng học rộng 150m2. Mô hình giống các trường công lập, lớp có rất nhiều đồ chơi, màu sắc, trường có giới thiệu về chương trình STEM cho trẻ từ 3 tuổi. Lớp cũng có 1 cô giáo già, 1 cô giáo trẻ. Cam cũng khá hòa đồng với các bạn. Nhưng giữa lớp là 1 cái tivi to đang mở nhạc thiếu nhi, cô giáo trẻ đeo micro nhảy theo nhạc, có cháu chăm chú vào tivi không quan tâm gì khác, có cháu khóc được cô già bế, có cháu ngồi chơi đồ chơi một mình. Thời gian mình tham quan trường và vào lớp là gần 1 tiếng nhưng lớp vẫn xem tivi.

- Trường D: Gần trường C, rộng rãi. Lớp con ở tầng 2, diện tích khoảng 80m2. Lớp không có quá nhiều đồ chơi, không có tivi. Cô giáo là 1 cô 8X, 1 cô trung niên, nhanh nhẹn, hoạt bát. Cô chủ động bế Cam đi chơi, dạy Cam xếp hình, gây chú ý khiến con tập trung và tạm quên mẹ trong 30 phút. Mình thấy cũng tạm ổn vì cô giáo có thể khiến con yên lòng và cũng chủ động hỏi xem con có dị ứng món gì không.

Cam đến vào giờ các bạn ăn trưa nên cô hiệu trưởng mở lời cho con thử ăn một buổi với các bạn. Cam ngồi ăn khá ngoan dù không có ghế chốt, không chạy nhảy như ở nhà. Có yếm ăn cho mỗi bạn, bạn nào chưa ăn được cơm thì cô xúc cháo. Cam có thể xúc nhưng chưa thành thạo nên cô hỗ trợ. Cam cũng mới ăn ở nhà hơn nữa do cô chan canh và thịt băm vào chung nên con chỉ ăn vài thìa. Cô hiệu trưởng thì nói là nếu con không ăn, các cô sẽ cố cho các con ăn, sợ con đói. Thực đơn của trường cũng không được phong phú lắm.

Lớp có camera trực tuyến cho phụ huynh. Tuy nhiên, vào một giây phút nào đó, một cô giáo đã hỏi nhỏ cô còn lại: "Mẹ về chưa?", cô trẻ quay ra cửa sổ nhìn mình và lắc đầu: "Chưa". Mình tự nhiên cảm thấy e dè rằng liệu khi mẹ không ở đó, cô có quan tâm con như vậy nữa không.

Sau chuyến "vi hành", bố mẹ quyết định chọn trường B cho Cam. Đây là lựa chọn thỏa đáng đối với chị Tú Anh sau khi đã có thời gian tự mình trải nghiệm, tham quan và đánh giá các tiêu chí một cách cụ thể. Vậy tiêu chí khi chọn trường mầm non cho con ở lứa tuổi 0-3 của bà mẹ 2 con là gì?

7 tiêu chí chọn trường lớp cho bé đi học mầm non

1. Về cô giáo của con - người chăm sóc chính

Cô giáo sẽ là người chăm sóc con trực tiếp, thay thế bố mẹ và ông bà. Thời gian cô giáo chăm con sẽ chiếm thời gian lớn trong ngày, nên việc chọn cô giáo là vô cùng quan trọng. Việc cô chăm con cũng như cô giáo dục con như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của con. Với bé nhỏ, cô giáo có thể là người trung tuổi, có kinh nghiệm chăm bẵm các con hoặc các cô giáo trẻ được giáo dục theo các phương pháp mới, nhưng trên hết phải là người tôn trọng các cảm xúc của con, khiến con tin tưởng và dần tự chủ (theo học thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson). Ngoài ra, mình nuôi con theo hướng kỷ luật tích cực, cha mẹ ôn hòa nên cũng chọn cô giáo như vậy.

Và quy mô lớp 1 cô chăm sóc 3-5 trẻ là hợp lý, cô vừa có thể chăm sóc, đồng hành với các con một cách kỹ càng, giống như trong một gia đình vậy.

Với các bạn đã theo nếp EASY ở nhà như Cam, việc đến lớp thay đổi lịch sinh hoạt cũng cần chú ý vì những ngày đầu con sẽ không quen. Bố mẹ có thể trao đổi với cô giáo của con để cô lưu tâm trường hợp bé nhà mình.

2. Về thiết kế lớp học/trường học

- Về ăn: Khu vực bếp ăn, bàn ăn của các con như thế nào?

- Khu vực ngủ: Giường của con ngủ là giường gì, cần là một mặt phẳng cứng để tốt cho sự phát triển xương còn non nớt của con.

- Khu vực vệ sinh: Sạch sẽ.

- Khu vực vận động, chơi tự do: Lứa tuổi 0-3 là vẫn là độ tuổi trẻ cần phát triển vận động thô, hoàn thiện kỹ năng và các nhóm cơ lớn. Tuy nhiên các trường chú trọng tới các bộ vận động "xịn sò" thường chi phí khá cao; nếu gia đình không đủ điều kiện kinh tế, bố mẹ có thể lựa chọn cho con đi chơi các khu vận động vào cuối tuần hoặc mua bộ vận động tại nhà cho con.

3. Về chương trình học

Điều này có lẽ là điều mà chúng ta hay bị hiểu nhầm và "đánh lừa" bởi các chương trình hoa mỹ được truyền thông, những hình ảnh ngoại khóa, những em bé vừa ngoan vừa giỏi, 2 tuổi đọc vanh vách cờ các nước theo Glenn Doman, các em bé tự lập theo Montessori... nhưng thực tế thì với các bé nhỏ, phần lớn thời gian trong lớp lại là ăn, ngủ, thời gian "học" cực kỳ ít, chỉ khoảng 15-30 phút theo từng lứa tuổi, có trẻ không thích học sẽ tự tìm đồ chơi, đi lại trong lớp, làm theo ý mình hoặc thậm chí là khóc ròng 1-2 tiếng là chuyện bình thường.

Nên với các bé nhỏ lần đầu đi học, chỉ cần bé có thể được hỗ trợ hết các kỹ năng cơ bản trong tầng tháp thứ nhất của Maslow là đủ: Ăn - ngủ - ị - tè - chơi tự do. Bé về có thể tự xúc, ăn xong biết cất bát, cất bàn ghế, rửa tay, súc miệng; biết gọi khi đi vệ sinh, biết đánh răng trước khi đi ngủ, và về nhà con luôn vui vẻ, vậy là quá đủ rồi.

4. Về triết lý giáo dục

Dù cho con học trường công theo phương pháp truyền thống hay bất kỳ một phương pháp mới nào như Montessori, Steiner, Regiio, STEAM, Standford Harmony, chú trọng ngôn ngữ... thì điều quan trọng vẫn là lấy con làm trọng tâm và đảm bảo sự phát triển theo đúng lứa tuổi.

5. Về điều kiện địa lý

Giữa việc chọn trường tốt nhất - xa nhà và trường đủ tốt - gần nhà thì mình chọn gần nhà, sẽ tiện cho những ngày mưa nắng đưa đón con đi học; nhất là với những gia đình đã có bé thứ hai như nhà mình. Còn nếu trường có xe đưa đón thì bố mẹ có thể cân nhắc, nhưng nếu bé còn quá nhỏ, mình cũng chưa yên tâm để con tự đi xe của trường.

6. Về điều kiện kinh tế

Cũng giống như điều kiện địa lý, giữa trường tốt nhất - học phí quá cao và trường đủ tốt - học phí vừa tầm với điều kiện hoàn cảnh của gia đình (tùy gia đình ở mức 2-6 triệu tùy trường) sao cho bố mẹ không quá áp lực vào tiền học phí của con hoặc con phải chuyển trường khi bố mẹ không đủ tiền để nộp tiền học cho con. Trường hợp nhà có điều kiện thì "xõa" thôi, trường nào tốt nhất ba mẹ cho con học.

7. Các điều kiện khác

Camera: Tùy từng quan điểm của bố mẹ mà chọn trường có camera trực tuyến cho phụ huynh hay không?

- Hoạt động ngoại khóa

- Ngoại ngữ; có giáo viên nước ngoài,...

"Các ý kiến trong bài là ý kiến cá nhân của mình sau khi nghiên cứu các tiêu chí cần thiết cho sự phát triển của con về mặt khoa học, thực tiễn. Bố mẹ có thể tham khảo và chọn các tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cũng như địa lý của từng gia đình để chọn trường cho con.

Dù có chọn trường nào thì gia đình vẫn luôn là nền tảng quan trọng nhất, gắn bó, song hành cùng với con suốt cuộc đời. Trường học chỉ là một chặng đường ngắn còn trường đời mới dài, giáo dục tại gia đình thông qua việc tôn trọng nhu cầu cơ bản, tôn trọng cảm xúc, chấp nhận các hành vi phù hợp lứa tuổi và đặt ra các giới hạn, quy tắc trong gia đình", chị Tú Anh nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo