Từng là doanh nghiệp giá trị nhất sàn HNX với vốn hóa gần ngưỡng tỷ USD, điều gì khiến Vicostone (VCS) mất dần vị thế?
Kết quả kinh doanh đi xuống cùng khó khăn từ các thị trường xuất khẩu là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu Vicostone trên thị trường.
Từng là doanh nghiệp lớn nhất sàn HNX, Vicostone (VCS) đang dần đánh mất vị thế những năm gần đây. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh lớn nhất Việt Nam hiện chưa đến 10.000 tỷ, bằng khoảng một nửa so với đỉnh. Điều này khiến Vicostone bị soán ngôi quán quân vốn hóa trên HNX bởi PTSC (PVS).
Diễn biến của cổ phiếu VCS khá đồng pha với kết quả kinh doanh. Năm 2021, Vicostone ghi nhận tăng trưởng đột phá với doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục, cổ phiếu cũng lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh nghiệp này đã lần đầu tiên đứt mạch tăng trưởng sau một thập kỷ với doanh thu thuần đạt 5.660 tỷ và lợi nhuận trước thuế 1.377 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 34% so với cùng kỳ 2021.
Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Vicostone. Theo báo cáo của công ty Freedonia (Mỹ), nhu cầu thị trường đá nhân tạo toàn cầu cho lĩnh vực countertop sẽ tăng trưởng trung bình CAGR 4,8% trong giai đoạn 2019 - 2024 để đạt 75,2 triệu m2 vào năm 2024. Nhưng trên thực tế, tại các thị trường lớn trên thế giới, nguồn cung các sản phẩm đá nhân tạo đang gia tăng mạnh mẽ vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất đá thạch anh để giành thị phần.
Năm 2023, Vicostone lên kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Trong kịch bản 1, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến đạt 5.891 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 1.325 tỷ đồng. Với kịch bản 2, trong điều kiện các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội tác động không thuận lợi, nằm ngoài những dự tính, Vicostone dự kiến doanh thu ở mức 4.713 tỷ, lợi nhuận trước thuế 1.060 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, Vicostone tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thuần đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 718 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp mới thực hiện 68% chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong kịch bản không thuận lợi.
Động lực từ xuất khẩu cần thời gian hồi phục
Vicostone là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh tại khu vực châu Á với năng lực sản xuất tới khoảng 1,6 triệu tấn đá nhân tạo/năm. Nguồn thu chủ yếu của Vicostone (60-70% doanh thu) tới từ việc xuất khẩu đá, với hệ thống đối tác hơn 10.000 cửa hàng, đại lý tại 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, thị trường chính của Vicostone là khu vực Bắc Mỹ với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 70% sản lượng tổng xuất khẩu của doanh nghiệp.
Động lực này đã suy yếu rõ rệt trong năm 2022 khi doanh thu xuất khẩu của Vicostone chỉ đạt hơn 3.500 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ 2021 và là mức thấp nhất kể từ năm 2018. Tình hình chưa được cải thiện đáng kể trong nửa đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu luỹ kế 6 tháng của doanh nghiệp này mới đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, DSC cũng chỉ ra tín hiệu tích cực khi người dân Mỹ đã có sự thích ứng nhất định với mức lãi suất neo cao. Doanh số bán nhà tại Mỹ tuy chưa thể trở lại giai đoạn đỉnh điểm 2020-2021, nhưng hiện đã trở về mức tương đương giai đoạn năm 2019. Sản lượng đá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.
Với dự phóng lãi suất điều hành Mỹ đã đạt đỉnh và có thể bắt đầu giảm từ sau nửa đầu năm 2024, DSC đánh giá ngành đá Việt Nam nói chung và Vicostone nói riêng sẽ có triển vọng tích cực hơn trong năm 2024.