Sự 'hỗn loạn' ở Twitter
Sự hỗn loạn bên trong nội bộ của Twitter phần nào phơi bày trước công chúng sau vụ "đụng độ" giữa ông chủ Elon Musk và nhân viên trên chính nền tảng này.
Theo CNN, việc Elon Musk công khai mâu thuẫn với ngày càng nhiều nhân viên Twitter và thực tế đã sa thải ít nhất một trong số họ bằng một dòng tweet là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự "bất thường" và "hỗn loạn" của công ty dưới sự điều hành của tỷ phú này. Musk đã bỏ ra 44 tỷ USD để trở thành ông chủ mới của Twitter sau một thương vụ tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Đầu tuần, Musk đã có cuộc tranh cãi với kỹ sư phần mềm Eric Frohnhoefer trên Twitter. Mọi chuyện bắt đầu từ việc, tỷ phú 51 tuổi đăng thông điệp xin lỗi người dùng vì Twitter hoạt động chậm ở nhiều quốc gia.
Sau đó, Eric Frohnhoefer, người tự nhận có 6 năm làm ở mảng ứng dụng Android tạiTwitter dẫn lại tuyên bố của Musk và nhận xét rằng thông tin này không chính xác.
Cả hai lời qua tiếng lại kéo dài và kết thúc bằng một dòng tweet của Musk rằng, Eric Frohnhoefer "đã bị sa thải". Kỹ sư này sau đó cũng xác nhận mình đã mất quyền truy cập vào các hệ thống nội bộ của Twitter.
Elon Musk sa thải nhân viên chỉ bằng một dòng tweet
Trả lời phỏng vấn của CNN, Frohnhoefer nói, anh biết về vụ sa thải khi một người bạn gửi cho mình dòng tweet của ông chủ công ty, đồng thời cho hay "thậm chí không ai liên hệ với tôi từ Twitter".
Kỹ sư này mô tả, làm việc cho Musk là "hoàn toàn tồi tệ" và tình hình hiện tại của công ty là "sự hỗn loạn" thuần túy.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, Frohnhoefer nói thêm, cá nhân đã "sẵn sàng thử" làm việc dưới thời Musk nhưng "mọi thứ được báo chí viết đều là sự thật". Kỹ sư này mô tả, làm việc cho Musk là "hoàn toàn tồi tệ" và tình hình hiện tại của công ty là "sự hỗn loạn" thuần túy.
Theo CNN, ít nhất một nhân viên khác bình luận về vấn đề này cũng đã bị sa thải vào sáng thứ Ba. Trong khi đó, một số nhân viên khác cũng bị mất việc làm bằng một email cho biết "hành vi của họ đã vi phạm chính sách của công ty". Nhiều suy đoán cho rằng, đây là kết quả của việc họ bình luận về những thay đổi của Twitter trong kênh nội bộ,
Nhiều nguồn tin cho CNN biết, các nhân viên trong những ngày gần đây đã rất thẳng thắn chỉ trích Musk trong hệ thống nội bộ.
Trả lời một tweet về quyết định sa thải nhân viên trong những ngày qua, Musk nói: "Tôi muốn xin lỗi vì đã sa thải những thiên tài này. Tài năng to lớn của họ chắc chắn sẽ được sử dụng rất nhiều ở những nơi khác".
Sa thải hàng loạt
Những vụ sa thải bằng dòng tweet trên nền tảng diễn ra sau khi Musk quyết định cắt giảm một nửa số nhân viên của Twitter.
Theo các nhà đầu tư, đây có thể là quyết định thiếu thận trọng và khiến nền tảng này gặp rủi ro. Musk cũng củng cố quyền kiểm soát của mình bằng cách thẳng tay sa thải hàng loạt nhân sự cấp cao khi mới về tiếp quản.
Musk được cho là củng cố quyền kiểm soát của mình tại Twitter bằng cách thẳng tay sa thải hàng loạt nhân sự cấp cao khi mới về tiếp quản
Theo CNN, hiện Musk đang điều hành Twitter với sự giúp đỡ của "những người bạn" là Jason Calacanis và David Sacks cùng luật sư riêng Alex Spiro. Một số thông tin cho biết thêm, có một số kỹ sư từ các công ty khác trong đó có Tesla cũng sang Twitter làm việc.
Bên cạnh một số người công khai phản đối, một số người khác dường như đang cố gắng bày tỏ sự lo ngại tới với lãnh đạo mới trước hàng loạt sự thay đổi được xem là "đột phá" với nền tảng.
Các tài liệu nội bộ mà CNN có được chỉ ra rằng, nhiều nhân viên cho biết, họ lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra nếu Twitter triển khai dịch vụ bán tích xanh với mức phí 8 USD/tháng. Tài liệu đề ngày 1/11 cung cấp hàng loạt những đề xuất nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi công ty thực hiện dịch vụ này.
Dịch vụ bán tích xanh dấy lên lo ngại về một hệ thống "trả tiền để chơi", trong đó những tiếng nói quan trọng không thể hoặc không trả tiền để đăng ký có thể bị tước quyền ưu tiên lên tiếng.
Cụ thể, nhiều người lo ngại, dịch vụ bán tích xanh có thể làm gia tăng việc mạo danh các tài khoản nổi tiếng trên Twitter, dẫn đến việc mất lòng tin của những người dùng nổi tiếng.
Dịch vụ này cũng dấy lên lo ngại về một hệ thống "trả tiền để chơi" trong đó những tiếng nói quan trọng không thể hoặc không trả tiền để đăng ký (chẳng hạn như "cá nhân ở các quốc gia bị trừng phạt") có thể bị tước quyền ưu tiên lên tiếng.
Thực tế là một phần sự lo ngại đã trở thành hiện thực. Trong vòng vài giờ sau khi hệ thống xác minh có trả tiền ra mắt vào tuần trước, Twitter đã phải đối mặt với một làn sóng những tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình.
Một người đặt tên hiển thị là cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, sau đó đăng thông điệp xúc phạm. Một tài khoản khác tự xưng là cựu thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ lại bài viết trên. Bản thân mạng xã hội này cũng bị giả mạo khi tài khoản "Twitter" với tích xanh khẳng định người dùng có thể đăng ký dịch vụ Twitter Blue miễn phí nếu liên kết với ví tiền mã hóa.
Chỉ vài ngày sau khi mở bán tích xanh với giá 8 USD, Twitter bất ngờ dừng tính năng này nhưng chưa đưa ra thông báo nào
Trước thực trạng này, chỉ vài ngày sau khi mở bán tích xanh với giá 8 USD, Twitter bất ngờ dừng tính năng này nhưng chưa đưa ra thông báo nào. Hiện chưa rõ khi nào công ty có thể khôi phục dịch vụ.
Khi đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, Musk cảnh báo Twitter không thể sống sót qua thời kỳ suy thoái kinh tế sắp tới nếu không tăng doanh thu đăng ký tài khoản bù đắp cho việc giảm thu nhập từ quảng cáo.