SSI dự báo KQKD quý 3/2022: Hầu hết DN tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp, riêng Hoà Phát dự giảm 80% và chạm đáy lợi nhuận
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2022 vào khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021.
SSI Research vừa có báo cáo ứớc tính KQKD quý 3/2022 của 26 công ty, trong đó hầu hết các đơn vị dẫn đầu ngành bán lẻ, phân bón, ngân hàng, dầu khí và cảng biển đều tăng trưởng lợi nhuận dương, như FPT, PNJ, DPM, GAS, HAH, GMD…
Ngược lại, 2 công ty sụt giảm lợi nhuận là Hoà Phát (HPG) và PVS.
Hầu hết DN đều tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái
Điểm qua một số doanh nghiệp lớn, tại ngành bán lẻ, SSI Research kỳ vọng CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhận (PNJ) sẽ đạt doanh thu thuần 7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 725% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 238 tỷ đồng (quý 3/2021 lỗ 160 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh do nhu cầu vàng trang sức vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát, trong khi kết quả kinh doanh quý 3 năm ngoái chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hay với Digiworld (DGW), đơn vị bán buôn trong mảng ICT, ước LNST quý 3/2022 dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ đồng, tăng 87% so với mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm ngoái, khi lợi nhuận của DGW chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Đặc biệt, lợi nhuận ròng quý 3/2022 tăng 45% so với quý 2/2022, nhờ doanh thu bán máy tính xách tay cao hơn.
Cũng tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, “ông lớn” ngành hàng không ACV – kỳ vọng lợi nhuận trước thuế vào khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2022, so với mức lỗ trước thuế là 888 tỷ đồng trong quý 3 năm 2021, nhưng thấp hơn lợi nhuận trước thuế 3,2 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022. Sở dĩ có sự cải thiện như vậy so với cùng kỳ là do năm ngoái, Việt Nam đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại các thành phố trọng điểm, trong khi quý 3/2022 nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn. Trong quý này, công ty không thu được nhiều lợi nhuận từ việc đồng JPY giảm giá, trong khi quý 2/2022 đã ghi nhận 1,5 nghìn tỷ đồng.
Liên tục hưởng lợi từ thị trường, Đạm Phú Mỹ (DPM) dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong quý 3 với LNST ước tính đạt 1 nghìn tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ) nhờ giá urê trên thị trường cao. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng trong quý 3/2022 giảm 22% so với quý trước do sản lượng tiêu thụ giảm và giá bán bình quân thấp hơn.
Cũng tăng trưởng liên tiếp và đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2/2022, Tập đoàn Hoá Chất Đức Giang (DGC) ước LNST quý 3 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 187% so với cùng kỳ), nhờ giá bán tăng trên tất cả các sản phẩm. Dù vậy, lợi nhuận quý 3/2022 giảm so với mức đỉnh hình thành trong quý 2/2022 (1,9 nghìn tỷ đồng).
Lợi nhuận của HPG có thể chạm đáy trong quý 3/2022 và phục hồi từ quý 4
Chiều ngược lại, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2022 vào khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.
Trên thị trường, HPG cũng là cái tên được nhắc nhiều nhất thời gian gần đây khi liên tục giảm giá trị cổ phiếu về mức 1x.
Giới phân tích kỳ vọng lợi nhuận của HPG có thể chạm đáy trong quý 3/2022 và phục hồi từ quý 4 (tăng trưởng so với quý trước), mặc dù Công ty có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm (so với cùng kỳ năm liền trước) cho đến quý 1/2023.
Sau gần 30 tháng, cổ phiếu “quốc dân” Hòa Phát (HPG) lại có giá 1x
Tri Túc