Đừng để doanh nghiệp như 'cá trên thớt'
Chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM đã thốt lên như vậy khi kiểu gì cũng có khả năng bị phạt sau 20 ngày thực hiện nghị định số 15 của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%.
Nhiều đơn vị còn vướng mắc trong giảm thuế VAT vì có thể rất nhiều mặt hàng trong một hóa đơn chịu mức thuế khác nhau. Trong ảnh: mua sắm tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Có doanh nghiệp (DN) còn nói: "Ước gì không giảm thuế VAT. Sau Tết đi làm suốt ngày chỉ lo xem hàng này thuế suất bao nhiêu. Người mua thì đòi VAT 8%, trong khi nhiều mặt hàng không biết tính thuế thế nào. Theo mức thuế VAT mà khách hàng muốn thì sợ sai, mất tiền thuế mà còn bị phạt. Mà thu 10% cũng có khả năng sai. Tóm lại là thu kiểu gì cũng có thể sai. Đúng là tiến thoái lưỡng nan".
Theo các DN, khác hẳn đợt giảm thuế VAT hai tháng cuối năm 2021 vì khi đó đối tượng giảm thuế khá hẹp, thời gian ngắn, còn lần giảm này quy mô rất lớn với hàng trăm ngàn mặt hàng, rất phức tạp, có ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn DN cả nước và kéo dài đến 11 tháng. Do vậy những thắc mắc mà DN gặp phải vô cùng lớn.
Thế nhưng vấn đề ở chỗ DN không biết "gỡ rối tơ lòng" cùng ai vì hỏi các chi cục thuế thì mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu và cũng chỉ trả lời miệng, chờ trả lời bằng văn bản rất lâu.
Công văn mà Cục Thuế TP.HCM ban hành mới đây cũng là văn bản đốc thúc DN thực hiện chính sách giảm thuế VAT vì có nơi giảm, nơi không chứ không phải là văn bản gỡ rối.
Ở cấp cao hơn là Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, dù nhiều DN đã "kêu" rất nhiều trên báo, đài và đề nghị được hướng dẫn khẩn cấp liên quan nghị định 15 về giảm thuế VAT, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hai cơ quan này công bố văn bản trả lời.
Trong khi đó nghị định số 15 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ rõ ràng: "Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều DN nói rằng việc giảm thuế VAT giúp giảm giá bán sản phẩm, có lợi cho người dùng, qua đó cũng giúp DN gia tăng doanh số. Do vậy chẳng có lý do gì DN lại không muốn làm khi được lợi như vậy.
Vấn đề ở chỗ là do có quá nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng không được tháo gỡ kịp thời nên DN vừa làm vừa phập phồng vì thu VAT 10% mà sai, DN bị phạt. Có nơi xuất hóa đơn 8% hết và chấp nhận bù phần chênh lệch.
Nhưng kế toán vẫn lo vì cơ quan thuế thông báo nếu không xuất hóa đơn đúng như quy định, dù có phải bù tiền thuế thì cơ sở kinh doanh cũng có thể bị phạt, chẳng khác gì "cá nằm trên thớt".
Do vậy có tình trạng dù nghị định số 15 đã có hiệu lực nhưng có DN cứ "nhắm mắt" xuất hóa đơn VAT 10% như văn bản mà Cục Thuế TP.HCM ban hành mới đây đã nêu.
Theo các chuyên gia, nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này thì nghị định số 15 của Chính phủ về việc giảm thuế VAT nhằm kích cầu, qua đó thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 sẽ khó đi vào cuộc sống.
Lúc này, cách tháo gỡ nhanh nhất là ngành thuế phải tạo nhiều kênh tháo gỡ vướng mắc, thậm chí tương tác với người nộp thuế.
Trước mắt có thể tạo một mục trên website của Tổng cục Thuế để DN đặt câu hỏi và ngành thuế trả lời. Sau đó định kỳ hằng tuần Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp thành văn bản gửi đến các cục thuế để thực hiện thống nhất trên cả nước. Văn bản này cũng chính là căn cứ để các cục thuế, chi cục thuế làm căn cứ để trả lời các vướng mắc của DN.
Kênh tương tác này cũng nên duy trì trong thời gian ít nhất 1 - 2 tháng đến khi các DN có thể thực hiện suôn sẻ việc giảm thuế VAT theo nghị định số 15. Ở từng cục thuế, chi cục thuế cũng nên có các tổ, bộ phận chuyên trách để phản hồi ngay những vướng mắc mà DN gặp phải.
Còn như hiện nay, chỉ có một chiều DN hỏi, "kêu" trên báo, cơ quan có trách nhiệm thì vẫn chưa trả lời bằng hướng dẫn chính thức.