Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm "Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ".
Tại Tọa đàm, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, năm 2024 là năm khó khăn trong công tác thông tin, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ do thời điểm đầu năm Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ trưởng phê duyệt Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục; hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Cục để trình cấp có thẩm quyền ban hành; xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức và lao động để bổ sung nhân lực cho các đơn vị thuộc Cục; xây dựng giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao… Từ ngày 1/7/2024, Cục chính thức không hưởng cơ chế tài chính đặc thù nên Cục tập trung xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2017/QĐ-TTg, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị để trình Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Cục cũng xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về sở hữu công nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trong khuôn khổ triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Cục vẫn chú trọng công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ với việc tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn và kỹ năng làm việc cho cán bộ Cục; tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương; tổ chức các hội thảo quốc tế và trên 30 hội nghị, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức sở hữu trí tuệ dành cho các nhóm chủ thể và các đối tượng khác nhau. Công tác thông tin, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ phần nào đáp ứng được nhu cầu về kiến thức sở hữu trí tuệ của xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Cục đã triển khai chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), xây dựng các tin, bài truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động nêu trên có sức lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp và nhóm chủ thể trong xã hội.
Để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, trong năm 2025, Cục đang tập trung hoàn thiện Đề án kiện toàn các đơn vị và nhân lực thuộc Cục theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức và lao động để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị thuộc Cục; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và có cơ chế khuyến khích người lao động. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; tổ chức thành công chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (24/6), Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ... Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các chương trình quốc gia khác; thúc đẩy hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài./.
HL