A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm danh Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022

Ngày 21/9 tại Hà Nội, Brand Finance và Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam đã công bố Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Đây là năm thứ 7 Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới tổ chức sự kiện Brand Finance Vietnam Forum 2022. Sự kiện nhằm công bố giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời tôn vinh TOP 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2022.

Vị trí dẫn đầu là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), năm nay Viettel được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5%), đã trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ tư liên tiếp. Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD), là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng.

Với tốc độ tăng trưởng chậm hơn một chút, một thương hiệu viễn thông khác, VNPT - Vietnam Posts and Telecommunications Group (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) (tăng 4,2% đạt 2,858 tỷ USD), giữ nguyên vị trí thứ hai trong top thương hiệu giá trị nhất và là năm thứ tư liên tiếp và xếp trong top 3 kể từ năm 2017.

Vinamilk (trị giá 2,814 tỷ USD) xếp vị trí thứ ba về giá trị thương hiệu với tăng trưởng 18% so với năm 2021. Năm nay, Vinamilk vinh dự nhận danh hiệu "Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới". Xếp thứ ba trong bốn năm liên tiếp và là thương hiệu thực phẩm giá trị nhất Việt Nam.

Giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng lên 36%. Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng. Tổng giá trị đạt được lên tới 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021.

Đáng chú ý trong TOP 50, Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thương hiệu là 731 triệu USD, xếp thứ 14. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Techcombank có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng khi tăng 5 bậc so với năm 2021, lần đầu tiên lọt vào TOP 10. Ngân hàng Vietinbank xếp ở vị trí thứ 9, tăng 1 bậc so với năm 2021. Agribank vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với giá trị tăng trưởng 22%, duy trì vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.

Một số thương hiệu có giá trị tăng trưởng ổn định trong bảng xếp hạng TOP 50 có thể kể đến VPBank (tăng trương 37% so với 2021), FPT (tăng trưởng 24.5% so với 2021). Giá trị thương hiệu của tập đoàn Hòa Phát tăng lên đến 68% so với 2021. Về lĩnh vực bất động sản, Giá trị thương hiệu Vinhomes 2022 là 2,383 triệu USD, tăng trưởng đến 99%, đây là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong TOP 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam 2022, đều tăng giá trị từ năm 2021, ngoại trừ MobiFone (-21%). Đáng chú ý, có bốn cái tên mới tham gia Bảng xếp hạng TOP 50, đó là: Nam Long (hạng 34), Vinacomin (hạng 43), Chin-Su (hạng 44) và Masan Consumer (hạng 45).

Theo đánh giá, thì viễn thông là lĩnh vực giá trị nhất trên bảng xếp hạng, tiếp theo là lĩnh vực Bảo hiểm (+ 116%), Bất động sản (+ 105%) và Cơ khí & Xây dựng (+ 61%), là những ngành tăng trưởng nhanh hơn trong khi Viễn thông, Ngân hàng và Thực phẩm, đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị của bảng xếp hạng.

Bốn thương hiệu Viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng. Tiếp theo là ngành Ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành Thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.

Ngoài việc tính toán giá trị thương hiệu, Brand Finance cũng xác định sức mạnh thương hiệu thông qua việc đánh giá đầu tư tiếp thị, vốn chủ sở hữu của các bên liên quan và hiệu quả kinh doanh. Tuân theo ISO 20671, đánh giá của Brand Finance dựa trên dữ liệu nghiên cứu thị trường từ hơn 100.000 người trả lời ở hơn 35 quốc gia và trên gần 30 lĩnh vực.

Theo các tiêu chí này, ngân hàng MB là thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam, với Chỉ số Sức mạnh Thương hiệu (BSI) là 87,1 trên 100 (+26 điểm) và xếp hạng sức mạnh thương hiệu AAA tương ứng. Được biết, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 23% trong năm nay, có kế hoạch mua lại một công ty cho vay đang gặp khó khăn của Việt Nam trong năm nay.

MobiFone, một trong top 10 trên bảng xếp hạng quốc gia Việt Nam kể từ năm 2015, đã sụt giảm sức mạnh thương hiệu và mất 1,53 điểm chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index BSI) từ 76,95/100 điểm năm 2021 xuống 75,42/100 điểm năm 2022. Thương hiệu được dự báo sẽ tăng trưởng cao nhờ vào việc trở thành nhà mạng di động đầu tiên tại Việt Nam được cho phép dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động trên cả nước.

Trong nghiên cứu thị trường mới nhất của mình, Brand Finance cũng đã phân tích nhận thức của 108 thương hiệu tại Việt Nam, 44 thương hiệu trong đó nằm trong top 100 thương hiệu giá trị nhất quốc gia. Kết quả cho thấy Viettel Telecom dẫn đầu về “giá trị thương hiệu” và “nhận diện thương hiệu” trong khi Vinaphone dẫn đầu về “sự quen thuộc”. Vinamilk dẫn đầu trong “sự cân nhắc” đối với những người đã quen thuộc với sản phẩm của họ và Vietnam Airlines là thương hiệu có danh tiếng nhất theo kết quả khảo sát.

Trong khi đó, Bách hóa XANH là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng (+ 178%). Giá trị thương hiệu Bách hóa XANH tăng 178% lên 279 triệu USD, là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng, tiếp theo là Novaland (+ 132% lên 255 triệu USD) và Kokomi (+ 121% lên 121 triệu USD).

Thương hiệu Novaland, được đánh giá là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, cũng đang có mức tăng trưởng kép về giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu (+ 19,27% theo BSI, từ 74,32 trên 100). Warburg Pincus đã đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào Novaland để hoàn thành các dự án cao cấp đang triển khai

Ông Alex Haigh: Thương hiệu quốc gia sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư, du lịch, giao thương hàng hóa.... Từ năm 2019-2022 giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 74%, cao nhất thế giới.

Top 50 doanh nghiệp thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance trao chứng nhận chính thức về thứ hạng, giá trị thương hiệu quốc gia và chỉ số sức khỏe thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Điều này khẳng định sự phát triển và sức mạnh thương hiệu của các Doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022.

“Chúng tôi thực sự ấn tượng với tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam vào năm 2022. Nhiều thương hiệu đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng các công ty địa phương hiện có thể nhận ra giá trị của thương hiệu và bắt đầu nỗ lực phát triển thương hiệu. Báo cáo top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance sẽ trở thành thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của các thương hiệu trên toàn quốc cho tất cả các lĩnh vực”, ông Lại Tiến Mạnh Giám đốc Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam cho biết

Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương, nhận xét: “Bất chấp Đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan”.

Theo nghiên cứu của Brand Finance thì 20% giá trị doanh nghiệp thuộc về giá trị thương hiệu và nó được cấu thành từ nhiều yếu tố, nguồn lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên xây dựng thương hiệu cần thời gian và nhất quán trong sự phát triển nó sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu.

Đối với Chỉ số nổi tiếng, qua nghiên cứu của Brand Finance cho thấy các thương hiệu nổi tiếng thường là đại diện cho quốc gia đó như Coca-Cola của Mỹ, còn tại các quốc gia phương Đông thì các thương hiệu phương Tây vẫn nổi tiếng, riêng ở Việt Nam thì lại là các thương hiệu của Việt Nam như: Viettel, Vinatex, Vinacomin, Bảo Việt, Vinamilk, Vietnam Airlines... và càng là thương hiệu nổi tiếng thì uy tín càng cao. Với mỗi quốc gia thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong định hình quan điểm về quốc gia đối với quốc tế.


Tác giả: Theo Thu Hường/congthuong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo