A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường qua các quỹ ETF

Trong tháng 11, riêng 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường đã hút ròng hơn 7.400 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và xấp xỉ tổng giá trị hút ròng trong 3 quý đầu năm.

 

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường qua các quỹ ETF

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại. Tranh thủ thời điểm hàng loạt cổ phiếu chiết khấu sâu về mức định giá hấp dẫn, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua gom mạnh tay trên diện rộng. Chỉ trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng lên đến 15.900 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên cả 3 sàn, con số kỷ lục từ trước tới nay.

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital,... dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những con số kỷ lục.

Trong tháng 11, riêng 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường đã hút ròng hơn 7.400 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và xấp xỉ tổng giá trị hút ròng trong 3 quý đầu năm. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF đã lên đến hơn 17.000 tỷ đồng.

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường qua các quỹ ETF - Ảnh 1.

Hầu hết các quỹ ETF đều hút tiền mạnh trong đó phong độ ấn tượng nhất vẫn là Fubon ETF. Quỹ hút ròng kỷ lục 133 triệu USD (~3.150 tỷ đồng) trong tháng 11 qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào trong 11 tháng đầu năm lên hơn 463 triệu USD (~10.300 tỷ đồng). Fubon ETF cũng là cái tên duy nhất không bị rút ròng trong bất kỳ tháng nào từ đầu năm 2022.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới khi ETF này vẫn đang huy động thêm hàng nghìn tỷ đồng từ khu vực Đông Á để rót vào chứng khoán Việt Nam. Mới nhất, Fubon đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Quỹ đã bắt đầu gọi vốn từ 29/11 và ngay lập tức mua ròng hàng trăm tỷ đồng trong 2 ngày cuối tháng vừa qua.

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường qua các quỹ ETF - Ảnh 2.

Bên cạnh Fubon, bộ đôi Diamond ETF và VN30 ETF của Dragon Capital cũng đang hút tiền mạnh với động lực lớn đến từ các nhà đầu tư Thái Lan. Dòng vốn từ xứ sở Chùa Vàng liên tục gom mạnh chứng chỉ quỹ của Việt Nam qua kênh DR và đẩy dòng vốn qua 2 ETF này tăng cao trong 2 tháng vừa qua.

Trong tháng 11, Diamond ETF hút ròng hơn 1.950 tỷ đồng, chỉ thấp hơn con số kỷ lục hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5. Tính chung từ đầu năm, “viên kim cương” này đã hút ròng hơn 6.000 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn thị trường chỉ sau Fubon ETF. Trong khi đó, VN30 ETF đang trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn liên tục bị rút ròng từ đầu năm. Quỹ đã có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm với giá trị gần 690 tỷ qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào trong 2 tháng gần nhất lên gần 1.100 tỷ đồng.

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường qua các quỹ ETF - Ảnh 3.

Tương tự VN30 ETF, SSIAM VNFinLead ETF cũng vừa có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm. Trong tháng 11, quỹ đã hút ròng gần 470 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị dòng vốn vào lũy kế 11 tháng lên 919 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 ETF ngoại lâu năm trên thị trường là V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF cũng đang hút tiền trở lại sau giai đoạn liên tục bị rút ròng từ đầu năm.

Trong tháng 11, V.N.M ETF cũng có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm với giá trị 40 triệu USD (~946 tỷ đồng). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp quỹ hút ròng mạnh qua đó đưa dòng tiền vào từ đầu năm đảo chiều dương 18 tỷ đồng. Trong khi đó, FTSE Vietnam ETF đã hút ròng 576 tỷ đồng từ đầu năm. Riêng trong tháng vừa qua, dòng tiền qua ETF này dương 16 triệu USD (~380 tỷ đồng).

Xu hướng đầu tư ETF ngày càng phổ biến

Dòng vốn ETF ồ ạt đổ vào thị trường trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử sau giai đoạn liên tục giảm sâu. Theo đánh giá của Fubon , VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E của VN-Index thấp lịch sử tạo ra cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn.

Dòng vốn dồi dào liên tục mua gom trên diện rộng khiến sự khác biệt về danh mục thực tế không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, sự phân hóa giữa các ETF là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường biến động không thuận lợi.

Thời điểm hiện tại, các quỹ Fubon ETF, VN30 ETF, V.N.M ETF, FTSE Vietnam ETF, FTSE Vietnam 30 ETF... đều đang tham chiếu theo VN30 hoặc các rổ chỉ số khác có sự tương đồng nhất định với VN30 như FTSE VN30 Index, MVIS Vietnam Index, FTSE Vietnam Index... Phần lớn cổ phiếu trong các rổ chỉ số này đều có vốn hóa lớn và còn room ngoại. Việc thị giá chiết khấu sâu từ đỉnh có thể là một trong những yếu tố kích thích nhà đầu tư ngoại bắt đáy.

Trong khi đó, Diamond ETF tham chiếu theo rổ VNDiamond gồm toàn các cổ phiếu kín room còn SSIAM VNFinLead ETF mô phỏng rổ chỉ số VNFinLead với “màu sắc” tài chính chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán. Với đặc thù danh mục khác biệt, các ETF này vẫn có thể hút tiền nhưng phần nào thất thế hơn đôi chút trong bối cảnh dòng tiền “ồ ạt” giải ngân trên diện rộng như hiện nay.

Về cơ bản, xu hướng đầu tư qua các quỹ ETF đang ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Sự ra đời của nhiều ETF mới mô phỏng các rổ chỉ số khác biệt so với VN30 đang mang đến cho nhà đầu tư nhiều lựa chọn, phù hợp với từng giai đoạn biến động của thị trường.

Mới nhất, ETF đầu tiên tham chiếu theo rổ chỉ số VNFinselect (mô phỏng các cổ phiếu trong ngành Tài chính) là KIM Growth VNFinselect ETF đã được cho ra mắt và niêm yết trên HoSE. Danh mục của ETF này bao gồm những cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu về thanh khoản và vốn hóa và có đôi chút khác biệt so với VNFinLead trong một số tiêu chí.

Trước đó, ETF thứ 3 thuộc Dragon Capital là DCVFM VNMidcap ETF cũng đã chính thức niêm yết từ ngày 29/9. ETF này là cái tên đầu tiên tham chiếu theo rổ VNMidcap - chỉ số xây dựng từ 70 cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết trên HoSE. Đây là nhóm ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây nhờ thanh khoản tốt và có mức biến động giá khá lớn.

Không chỉ mang đến những sự lựa chọn đa dạng cho nhà đầu tư, sự xuất hiện của những ETF mới hứa hẹn sẽ tạo ra thêm động lực để thu hút dòng vốn đổ vào thị trường thời gian tới. “Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” – ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo