Có đáng lo ngại khi doanh nghiệp liên tiếp bỏ cọc đấu giá đất?
Đã có 2 doanh nghiệp xác định sẽ bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm sau khi trả mức giá quá cao so với mức khởi điểm. Liệu đó có phải là tín hiệu đáng quan ngại cho sự minh bạch của thị trường địa ốc khi dư luận cho rằng, đang có sự bất thường trong trả giá quá cao và lại bỏ cọc.
Doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất
Ngày 11/1, bức tâm thư của Tân Hoàng Minh gửi đến các cơ quan lãnh đạo Nhà nước được công bố đã gây xôn xao trong giới đầu tư địa ốc. Ngay cả khi nhiều chuyên gia trước đó từng dự báo, việc bỏ cọc của Tân Hoàng Minh chỉ là sớm hay muộn khi giá đất đưa ra tăng gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã cho thấy sự vô lý thì sự việc này cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của những người tham gia thị trường.
Tiếp nối Tân Hoàng Minh, mới đây, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh cũng gửi văn bản xin hủy kết quả trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.009m2. Công ty này đã trúng đấu giá đất với số tiền 5.026 tỷ đồng cho lô đất 3-9 có giá khởi điểm 728 tỷ đồng. Thông tin này một lần nữa làm dư luận dấy lên câu hỏi: Liệu thị trường bất động sản sẽ phải chịu tác động như thế nào, ra sao? Và phải chăng cần một cơ chế chặt chẽ hơn trong việc đấu gía đất để tránh trường hợp đưa ra mức giá quá cao so với giá khởi điểm và sau đó lại bỏ cọc.
Ở góc độ kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán/mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác.
Liên quan đến việc đấu giá đất trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mới đây đã ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đánh giá hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.
Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Với trường hợp đấu giá "đất vàng" ở Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.
Cũng theo Bộ Xây dựng, quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Cần cơ chế chặt chẽ hơn?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc trong đấu giá sau khi trả mức giá quá cao đặt ra lỗ hổng trong quy định pháp luật về đấu giá. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đặt ra câu hỏi: "Chúng ta cần xem xét việc đặt cọc đã ổn chưa? Việc mà xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn".
Theo vị chuyên gia này, quy định về đấu giá đất cần có thêm quy định về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Không thể để doanh nghiệp chỉ có 100-200 tỷ vốn tự có lại có thể tham gia đấu giá tài sản hàng nghìn tỷ. Ngoài ra, ông Thịnh nói thêm, cơ chế đảm bảo quá trình giám sát cũng như quá trình đấu giá công bằng, bình đẳng tránh việc thông thầu, "quân xanh" "quân đỏ" cần được đặt ra.
Bên cạnh đó, chế tài cho doanh nghiệp có lịch sử bỏ thầu phải bị tính điểm trừ khi tham gia vào quá trình đấu giá tiếp theo. Hoặc nếu bỏ thầu đến 2 lần thì không cho phép tham gia các cuộc đấu thầu trong khoảng thời gian nhất định.
Việc doanh nghiệp trả giá quá cao rồi bỏ cọc đặt ra nhiều vấn đề liên quan hành lang pháp lý đấu giá, đấu thầu.
Còn GS. Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận lỗ hổng trong pháp luật đấu thầu của Việt Nam sau khi doanh nghiệp bỏ cọc. Theo ông Võ, cần xác định doanh nghiệp tham gia có mức độ tài chính, vốn pháp định…
Còn trong báo cáo của Bộ Xây dựng, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất.
Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.
https://cafef.vn/co-dang-lo-ngai-khi-doanh-nghiep-lien-tiep-bo-coc-dau-gia-dat-20220210103902148.chn