CEO Acuity Funding: Những sự kiện tài chính thế giới sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam, song mở ra cơ hội lớn khi nhiều bên đang muốn tái gia nhập
"Riêng Acuity, yêu cầu tài trợ vốn từ khách hàng ghi nhận tăng hơn 300%. Một số khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam hiện cũng đang tìm cách mua lại các dự án phát triển đắc địa mà chỉ thấy xuất hiện do sự khó khăn của thị trường vốn".
Dù vậy, làm sao để thị trường vốn đi qua được biến động cũng như tăng trưởng bền vững trong tương lai vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Trong khi các sự kiện khủng hoảng tài chính gần đây trên thế giới (đơn cử hai ngân hàng lớn tại Mỹ đóng cửa) tiếp tục thử thách lên bức tranh chung, bao gồm Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi về tác động từ các sự kiện thế giới này lên Việt Nam, ông Ranjit Thambyrajah, JP - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Acuity Funding (Acuity), nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề của các Ngân hàng Mỹ, mà nó ảnh hưởng rất nhiều đến các quốc gia khác. Và Việt Nam là một trong số đó vì Credit Suisse là một trong những tổ chức đang thu xếp vốn và trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Chưa kể, nguồn vốn truyền thống từ các ngân hàng đầu tư toàn cầu có thể sẽ khan hiếm do họ cần tái cấu trúc nội bộ và thắt chặt chính sách để đối phó với khủng hoảng. Hay niềm tin của các tổ chức đầu tư quốc tế với trái phiếu cũng như các tài sản mang tính rủi ro cao cũng giảm đáng kể… Những điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Được biết, Acuity trực thuộc công ty tài chính Berhero Pty Ltd thành lập năm 1993 tại Sydney, chuyên gia về tài chính dự án quy mô lớn. Acuity có mặt tại Việt Nam từ năm 2019, làm việc với chính phủ, ngân hàng, các tập đoàn lớn và các chủ dự án với quy mô giá trị từ 100 triệu USD cho mỗi dự án. Các dự án Acuity hiện đang tham gia tại Việt Nam gồm: phát triển khu dân cư quy mô lớn từ 150 triệu USD đến 750 triệu USD; dự án hỗn hợp bao gồm thương mại, công nghiệp, dân cư, shophouse, bệnh viện và bán lẻ với quy từ 500 triệu USD trở lên; hàng không; năng lượng tái tạo; cơ sở hạ tầng có giá trị từ 150 triệu USD đến 1,5 tỷ USD/dự án…
Trở lại với tác động lên thị trường vốn Việt Nam, bên cạnh những thách thức, ông Ranjit Thambyrajah, JP cũng cho biết điều này ngược lại mở ra những cơ hội mới. “Chúng tôi nhận thấy một số nhà đầu tư lớn tái gia nhập thị trường bất động sản, nhằm tận dụng các cơ hội có sẵn. Riêng Acuity, yêu cầu tài trợ vốn từ khách hàng ghi nhận tăng hơn 300%. Một số khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam hiện cũng đang tìm cách mua lại các dự án phát triển đắc địa mà chỉ thấy xuất hiện do sự khó khăn của thị trường vốn”, ông nói.
Acuity đến nay đang sắp xếp hơn 20 tỷ USD cho khu vực, trong đó Việt Nam theo quan sát là một trong những quốc gia thu hút bậc nhất. Sau hơn 3 năm hoạt động, ghi nhận có đến 5 tỷ USD vốn (thông qua hình thức cho vay và đầu tư tài trợ) được rót vào Việt Nam.
Việt Nam theo đó lọt bảng xếp hạng rất cao trong ưu tiên tài trợ của Acuity. Acuity đã và đang xem xét các khoản vay cho hàng chục dự án của Việt Nam. Trong đó, khoản vay tối thiểu là 50 triệu USD, thời gian ân hạn 3-5 năm nay. Cần nhấn mạnh, Acuity không phải quỹ đầu tư mà là đối tác được ủy thác bởi các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, tổ chức bảo hiểm lớn tại Anh, Mỹ và Úc để cấu trúc nguồn vốn, đầu tư cho các dự án trọng điểm.
“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực sau đại dịch Covid-19, và hơn thế nữa. Thị trường vốn còn rất tiềm năng, do đó Acuity mong muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam trong 10 năm tới”, đại diện nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư phải tìm kiếm một nguồn cung cấp vốn thay thế an toàn.
Theo quan điểm Acuity, chìa khóa để đầu tư, vay, cho vay và quản lý dự án thành công lúc này chính là dòng tiền. Theo đó, doanh nghiệp nên ưu tiên việc giải chấp trái phiếu, trả nợ cho các trái chủ. Với các trái phiếu chưa giải chấp, doanh nghiệp có thể điều chỉnh phương án thanh toán, đơn cử hình thức kết hợp giữa khoản đầu tư và cho vay.
Nhìn về dài hạn, một số giải pháp để đảm bảo tính bền vững của thị trường vốn theo Acuirty:
Thứ nhất, cần có biện pháp thích hợp để bảo vệ nhà đầu tư khỏi việc lạm dụng nguồn vốn huy động thông qua trái phiếu;
Thứ hai, chỉ cho phép tái phát hành trái phiếu khi có đủ biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, bao gồm chính sách chặt chẽ, đảm bảo năng lực doanh nghiệp phát hàng cũng như các bên liên quan. Gồm ngân hàng, công ty chứng khoán để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư tham gia.