Bộ Tài chính thông tin về giải pháp ‘cứu’ trái phiếu doanh nghiệp
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã gặp khó khăn về thanh khoản, niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng.
Kéo người dân gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu
Theo rà soát của Bộ Tài chính, những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên đã phát sinh một số bất cập, rủi ro như: Các doanh nghiệp quản lý chưa tốt khâu luân chuyển dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, có trường hợp vi phạm trong tổ chức phát hành và giao dịch TPDN.
Bên cạnh đó, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, lợi dụng uy tín và mối quan hệ sẵn có để lôi kéo người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi không cung cấp đủ thông tin về TPDN; tư vấn trái phiếu là sản phẩm tiết kiệm linh hoạt. Chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân còn thấp, kiến thức tài chính, năng lực phân tích hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao...
Mặc dù Luật Chứng khoán và các Nghị định hướng dẫn quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN riêng lẻ, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua TPDN riêng lẻ.
Theo ước tính của VnDirect, trong tháng 9/2023 có 8 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với tổng giá phát hành đạt khoảng 9.465 tỷ đồng, giảm 68,9% so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN riêng lẻ đạt khoảng 132.990 tỷ đồng giảm 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua lại trái phiếu riêng lẻ trước hạn trong tháng 9/2023 đã chững lại với tổng giá trị được mua lại đạt khoảng 6.458 tỷ đồng.
"Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 9/2023. Tính đến ngày 26/9 đã có khoảng 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với tổng giá trị TPDN được gia hạn là hơn 75.700 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 10/2023, sẽ có khoảng hơn 15.100 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong 4 tháng vừa qua", báo cáo của VnDirect đề cập.
Tính đến ngày 26/9, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản (BĐS).
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, nếu như trong điều kiện thông thường, ngoài việc kỳ vọng từ dòng tiền tạo ra từ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới trong đó đến từ phát hành TPDN mới, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu… để tái cơ cấu nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý, gỡ vướng pháp lý dự án bất động sản
Trước khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian qua khá khó khăn do những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc bị khởi tố vừa qua. Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ (trong tháng 10/2022, chỉ có 1 đợt phát hành TPDN trị giá 210 tỷ đồng, giảm 99% so với tháng trước).
Do vậy theo Bộ Tài chính, Nghị định 08/2023 ra đời sau đó đưa ra một số nội dung giúp các doanh nghiệp giãn hoãn hoặc cơ cấu lại nợ, nhưng thị trường vẫn cần thời gian để điều chỉnh và khôi phục niềm tin.
Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng
Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho các ngành sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp nhằm kiểm soát lạm phát và rủi ro an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. “Thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn. Việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng do thị trường BĐS đang trầm lắng, phục hồi chậm. Một bộ phận doanh nghiệp nhất là BĐS có tiềm ẩn nguy cơ, xảy ra hiện tượng chậm trả trái phiếu trong thời gian qua”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, theo Bộ Tài chính, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý: TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch TPDN phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
Yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cam kết với nhà đầu tư
Năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường.
Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án như: Đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Phía doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.