‘Squid Game’ phiên bản doanh nghiệp: Danh sách ‘ứng viên’ được bảo mật, giỏi chưa chắc là người chiến thắng, muốn đi tiếp phải đạt được tiêu chí này
Để “sống sót” ở lại công ty, các nhân sự buộc phải cạnh tranh khốc liệt và đáp ứng tiêu chí này.
Theo các giám đốc điều hành và cố vấn doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc sa thải thường sẽ mất vài tuần để đi đến quyết định cuối cùng.
Giữa hàng ngàn nhân sự, ai là “người được chọn” trở thành một vấn đề nan giải với nhiều trưởng bộ phận và phòng nhân sự. Họ luôn phải “nâng lên hạ xuống” nhiều lần. “Không có cách nào tốt để làm điều này”, Gregory DeLapp, giám đốc điều hành nhân sự tại nhà sản xuất thép và vật liệu Carpenter Technology Corp nói.
Việc sa thải đang diễn ra tại nhiều công ty với mọi lĩnh vực.
Trong những tuần gần đây, các công ty như Salesforce, Hasbro hay Dow đã tuyên bố cắt giảm một số việc làm. Hay vào thứ 2 tuần trước, Amazon cũng thông báo sẽ sa thải thêm 9.000 nhân sự dù đã có vài lần cắt giảm trước đó.
Trò chơi “Squid Game” tại các công ty?
Hiệu suất làm việc sẽ quyết định việc bạn đi hay ở. Tuy nhiên, những nhân viên có mức lương cao cũng vẫn được “chú ý” dù cho họ có thành tích tốt trong công việc. Vì vậy, việc nhân viên nào “được chọn” vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Tại một số doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cấp cao bao gồm giám đốc điều hành và giám đốc tài chính thường đặt ra các tiêu chí rõ ràng cho việc sa thải.
Ví dụ như dựa vào việc công ty phải cắt giảm bao nhiêu tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động hoặc thiết lập hạn mức cần tiết kiệm bao nhiêu chi phí và nó tương đương với việc sa thải bao nhiêu người. Đầu năm nay, công ty Boeing có kế hoạch cắt giảm 2.000 việc làm chủ yếu ở các vị trí phụ trách tài chính, nhân sự, ngoài ra là tuyển dụng thêm kỹ sư.
Amazon cho biết những đợt cắt giảm mới nhất của họ chủ yếu sẽ tập trung vào nhân sự tại các phòng làm về mảng kinh doanh điện toán đám mây, quảng cáo và dịch vụ phát trực tuyến Twitch.
Theo các giám đốc điều hành, nhiệm vụ quyết định “ai sẽ bị loại” thuộc về các lãnh đạo từng bộ phận và trưởng bộ phận.
Vào tháng 2, công ty phần mềm Okta cho biết họ sẽ cắt giảm 300 nhân viên, tương đương 5% tổng nhân sự sau khi tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch.
Giám đốc điều hành Todd McKinnon cho biết, từng bộ phận trong công ty sẽ được thông báo hạn mức cắt giảm cụ thể, sau đó mỗi phòng ban sẽ có các phương thức cắt giảm khác nhau.
Đối với Okta, các nhóm phát triển sản phẩm sẽ được ưu tiên ở lại còn nhưng nhân viên bán hàng tại các chi nhánh vừa và nhỏ ở Bắc Mỹ sẽ phải “ra đi”.
Kathy Zwickert , một cựu giám đốc của công ty phần mềm Avalara cho biết, mặc dù việc sa thải ai đa phần do trưởng bộ phận hoặc lãnh đạo trực tiếp quyết định nhưng có một số người lại nghĩ rằng nhân viên tuyển dụng (HR) mới là người chọn ai là “mục tiêu”.
Tuy nhiên bà Zwickert nói các HR không hề được kiểm soát điều này.
Quy trình sa thải
Trong đó có thể bao gồm bất kỳ ai bị xếp hạng thấp trong lần đánh giá hiệu suất gần đây hoặc những người đã gia nhập công ty trong sáu tháng qua. Sau đó, những người phụ trách sẽ lập một danh sách các nhân viên cần sa thải và đặt “tên riêng” cho nó, chẳng hạn như “Dự án Falcon”. Vì vậy bảng danh sách sẽ không bị lộ “mục đích thật” dù vô tình có nhân viên nào đó phát hiện ra.
Ngoài tiêu chí hiệu suất khách quan, các lãnh đạo cũng sẽ cân nhắc liệu nhân viên đó có thể thích nghi và đảm nhận công việc mới trong tương lai hay không?.
Khi danh sách được xác định, các HR sẽ làm việc để kiểm tra lại nhằm tránh tình trạng thiếu công bằng hoặc sai sót. Đôi khi, sự phân biệt và không công bằng trong quá trình cắt giảm nhân sự có thể khiến công ty bị kiện. Để an toàn, một số doanh nghiệp cũng dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài như mua các công cụ hỗ trợ hoặc nhờ luật sư sàng lọc danh sách sa thải để tránh các rủi ro.
Vẫn có cơ hội đối với nhân sự bị sa thải
George Penn, phó chủ tịch phụ trách quản lý bộ phận nhân sự của Gartner cho biết, một số công ty soạn thảo danh sách sa thải chỉ trong một tuần. Nhưng cũng có 1 số công ty phải mất đến một tháng hay 8 tuần để xác định và thiết lập một kế hoạch hoàn chỉnh.
Để đi đến quyết định, các cuộc tranh luận được diễn ra thường xuyên. Một số lãnh đạo sẽ cố gắng đấu tranh để giữ lại một số lượng nhân viên nhất định của mình. Đôi khi, giữa họ cũng sẽ xảy ra tranh chấp về tiêu chí “kẻ ở người đi”.
Tuy nhiên, ngay cả khi các công ty quyết định đóng cửa toàn bộ chi nhánh kinh doanh, các giám đốc điều hành vẫn có thể đưa ra quyết định giữ lại một số nhân viên có chuyên môn cao và chuyển họ đi nơi khác.