Trung Quốc cải tiến chương trình đào tạo nghề
Việc dạy nghề tại Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về việc khẳng định giá trị trong xã hội...
Trường dạy nghề tại Trung Quốc mở rộng đào tạo các chuyên ngành mới. |
Các cơ sở dạy nghề tại Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ về lao động lành nghề.
3 năm trước, chị Xia Tianxin, 18 tuổi, đăng ký vào một trường dạy nghề nhưng bị gia đình phản đối. Bố mẹ Xia cho rằng, các trường dạy nghề chỉ dành cho học sinh có kết quả học tập kém hoặc không thể vào đại học.
Sau khi thuyết phục gia đình thay đổi quan điểm, Xia đăng kí vào Cao đẳng nghề Tài chính và Thương mại Bắc Kinh. Câu chuyện của em phản ánh thay đổi trong nhận thức xã hội Trung Quốc đối với việc học nghề, trước đây bị coi là lựa chọn kém phát triển.
Tư duy thay đổi một phần do sự thiếu hụt trầm trọng lao động có kỹ năng, khi quốc gia này đẩy mạnh hiện đại hóa ngành sản xuất và dịch vụ. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ thiếu 30 triệu lao động lành nghề vào năm 2025.
Để giải quyết vấn đề, Trung Quốc không chỉ thay đổi phương pháp đào tạo nghề, mà còn mở rộng sang các chuyên ngành công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số và sản xuất tiên tiến. Đáng chú ý, luật giáo dục nghề nghiệp đã được sửa đổi nhằm nâng học nghề lên ngang với chương trình giáo dục phổ thông.
Vào năm 2023, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố 40 chuyên ngành nghề mới. Hơn một nửa số đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và sản xuất tiên tiến như y sinh học, kỹ thuật hạt nhân... Các chương trình này không chỉ đào tạo nguồn lao động lành nghề, mà còn phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến cho đất nước trong tương lai.
Xu hướng đầu tư cho đào tạo nghề phản ánh thực tế giáo dục đại học không còn là con đường duy nhất với người trẻ Trung Quốc. Trong năm 2020, khoảng 35% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã chọn học nghề, thay vì tiếp tục con đường học truyền thống. Bên cạnh xu hướng ngành nghề mới, nguyên nhân là do nhiều sinh viên không thể vượt qua gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt nhất thế giới.
Mặc dù, những người tốt nghiệp trường nghề có xu hướng kiếm ít tiền hơn so với sinh viên đại học, triển vọng việc làm của họ đang được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.
Theo báo cáo từ Zhaopin, nền tảng phát triển nghề nghiệp Trung Quốc, mức lương của lao động lành nghề đã tăng 35,8% so với năm trước và nhu cầu tuyển dụng cũng tăng vọt. Đây là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của lao động kỹ năng cao trong nền kinh tế hiện đại.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo dạy nghề vẫn cần thời gian dài để đạt được sự tín nhiệm, công nhận từ xã hội về triển vọng phát triển cho sinh viên. Em Ma Xinyang, 17 tuổi, học viên tại một trường dạy nghề ở Bắc Kinh, cho biết: “Em hy vọng sau khi hoàn thành khóa học sẽ tiếp tục học lên đại học để có cơ hội kiếm được công việc tốt hơn trong tương lai”.
Những cải cách trong giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt trong các chuyên ngành công nghệ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động cho nền kinh tế hiện đại, mà còn mở ra những cơ hội mới cho thế hệ trẻ, tạo dựng tương lai nghề nghiệp ổn định và phát triển.
TS Peter Gu, giảng dạy tại Đại học Victoria Wellington, Mỹ, nhận định: “Giáo dục nghề nghiệp ở Trung Quốc đang được cải thiện và có những chuyên ngành công nghệ cao. Nhưng việc dạy nghề vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về việc khẳng định giá trị trong xã hội và cơ hội nghề nghiệp cạnh tranh so với bằng đại học”.