Tìm giải pháp hỗ trợ công nhân mất việc cuối năm
Tết cận kề, nhưng với nhiều công nhân, thay vì chờ thưởng Tết mức cao hay thấp như nhiều năm trước, giờ họ chỉ mong có việc làm, được tăng ca để có thu nhập như bình thường.
Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có gần nửa triệu công nhân không còn được làm việc thường xuyên như trước, do doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng. Trước thực tế này, các bộ ngành đang nghiên cứu để tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ công nhân, DN vượt khó khăn.
Đồng loạt cắt giảm lao động
Chị Phạm Thị Mỹ (công nhân Công ty Giày Annora, Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết, từ đầu tháng 10, do thiếu đơn hàng, công ty đã thông báo cho công nhân một số bộ phận nghỉ vài ngày trong tháng để chờ việc. Theo phương án, nếu công nhân còn ngày nghỉ phép năm thì đăng ký nghỉ phép theo chế độ. Công nhân đã nghỉ hết số ngày phép năm thì nghỉ chờ việc. Thời gian nghỉ, công ty vẫn trả lương cơ bản. Việc ít khiến thu nhập của chị Mỹ và nhiều công nhân khác giảm mạnh.
Công nhân ngành dệt may, da giày đang đối mặt nguy cơ mất việc làm. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho hay, một số DN trên địa bàn đang gặp khó khăn (đặc biệt là các DN sản xuất hàng dệt may, da giày xuất khẩu) trong hoạt động sản xuất khi đơn hàng giảm, chi phí mua nhiên vật liệu tăng cao. Đã có DN dệt may không có đơn hàng và sẽ ngừng hoạt động trong 3 tháng tới nếu tình hình không cải thiện. “Về cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Phần lớn các DN bị giảm đơn hàng không tổ chức làm thêm giờ. Thu nhập của người lao động giảm 500 - 1 triệu đồng/tháng so với trước. Một số DN ngành may mặc do đơn hàng giảm mạnh phải cắt giảm lao động”, bà Hương cho biết.
Trong 1 tháng qua, Thanh Hóa có 25 DN thông báo cắt giảm hơn 5.500 công nhân. DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ cắt giảm số lao động nhiều nhất... Dự kiến, trong 3 tháng tới, có thêm 8 DN dệt may, da giày giảm thêm gần 4.500 công nhân. Riêng Công ty TNHH Giầy Annora sẽ giảm hơn 1.100 công nhân.
Số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH một số địa phương cho thấy, hiện tình trạng công nhân thiếu, mất việc làm đã diễn ra và có xu hướng tăng. Cụ thể, tại Nam Định đã có hơn 5.500 công nhân bị mất việc. Vĩnh Long có 9 DN cho hơn 7.400 công nhân ngừng việc và hơn 1.500 người mất việc làm. Bến Tre dự kiến trong 3 tháng tới sẽ có hơn 2.000 công nhân bị cắt giảm. Từ tháng 6 tới nay, tại Long An có hơn 1.300 công nhân mất việc làm trong khi Tây Ninh có hơn 43.500 công nhân bị ảnh hưởng do DN thiếu đơn hàng, trong đó có hơn 1.300 công nhân mất việc.
Tại Hải Dương, ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong số các DN báo cáo, có 29 DN gặp khó khăn về đơn hàng do giá nguyên vật liệu tăng cao nên phải cắt giảm việc làm. Có hơn 300 người mất việc, hơn 1.800 người giảm giờ làm, hơn 1.500 người ngừng, nghỉ việc không lương. Dự kiến trong 3 tháng tới, tại Hải Dương có thêm 41 DN sẽ cắt giảm thêm gần 3.000 công nhân... Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hải Dương và nhiều địa phương khác cùng đề xuất các bộ ngành, Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn do thiếu đơn hàng được giảm thuế, phí, bảo hiểm; hỗ trợ công nhân bị giảm, mất thu nhập do thiếu việc..
Nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐ) Việt Nam cho biết, cơ quan này cùng Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa nhóm họp về tình hình công nhân giảm, mất việc. Sau khi đánh giá tình hình, các bên đã đề xuất một số giải pháp để báo cáo Chính phủ như: Có thêm gói tài chính hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân; gói hỗ trợ DN đào tạo lại LĐ, nâng cao tay nghề; hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất để duy trì việc làm; xem xét miễn, giảm, hoãn một số loại thuế, phí cho DN...
Với đề xuất hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người LĐ, theo ông Phan Anh, cần điều chỉnh lại vì các gói hỗ trợ trước đây giải ngân không được nhiều. Bên cạnh đó nghiên cứu hỗ trợ trực tiếp công nhân, hỗ trợ cả sinh hoạt phí trong thời gian họ đi học. “Công nhân đã mất việc sẽ không có thu nhập, phải tìm việc khác để lo sinh kế, nên không có thời gian cũng như tâm trạng để đi học. Nếu có hỗ trợ đào tạo lại LĐ, cần bổ sung các khoản hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ sinh hoạt phí. Nếu chỉ hỗ trợ học phí sẽ rất khó thành công”, ông Phan Anh nói. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nghiên cứu chính sách, gói hỗ trợ công nhân tại địa bàn, tổ chức các diễn đàn để DN có thể chia sẻ đơn hàng với nhau, hoặc kết nối để tuyển dụng lại LĐ ở những DN bị thiếu việc...
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cho biết, thống kê từ báo cáo của 44 tỉnh thành cho thấy, có hơn 1.200 DN gặp khó khăn về đơn hàng, do đó ảnh hưởng tới việc làm của trên 472.200 LĐ. Trong số đó có hơn 41.500 LĐ bị mất việc làm (chiếm gần 9% tổng số LĐ bị ảnh hưởng), số còn lại bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương. Khó khăn nhất là khối DN dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... xuất khẩu, khi thị trường châu Âu, Mỹ giảm đặt và nhập hàng. Trong số các DN giảm đơn hàng nói trên, có 30 DN đang nợ hơn 110 tỷ tiền lương của gần 7.000 LĐ. Có 121 DN nợ tiền bảo hiểm xã hội của hơn 32.300 LĐ với số tiền hơn 237 tỷ đồng.
Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình việc làm, thu nhập của LĐ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đề nghị DN sớm công bố phương án nghỉ Tết, lương và thưởng Tết; tăng cường đối thoại với DN để luân phiên hoạt động, hạn chế thấp nhất việc sa thải LĐ, đảm bảo đầy đủ các chế độ, quyền lợi với LĐ phải nghỉ việc...