Đặt hàng tự động xóa 'ác cảm' cơm văn phòng
Với mục tiêu xóa bỏ “ác cảm” cơm văn phòng không ngon, anh Đỗ Minh Phương (Hải Phòng) cùng ê kíp quyết định khởi nghiệp với dự án Cơm 9 Phút.
Sự kết hợp giữa công nghệ đặt hàng tự động với đầu bếp hàng đầu nên từ lúc khách đặt hàng cho đến khi nhận cơm chỉ trong 9 phút với tiêu chí: cơm ngon nóng, giá ship chỉ 9.000 đồng cho chỗ bất kỳ khoảng cách nào trong nội thành Hải Phòng hứa hẹn sẽ thay đổi chất lượng cơm văn phòng.
Từ cơm 90 phút thành.... 9 phút
CEO Đỗ Minh Phương - người sáng lập dự án kinh doanh Cơm 9 Phút (Công ty CP Công nghệ và Thực phẩm siêu tốc ) cho biết anh từng có thời gian ăn "cơm bụi" nên rất hiểu cảm giác phải ăn những suất cơm nguội lạnh, thiếu mỹ quan cũng như chất lượng.
Tuy nhiên, để tìm kiếm lời giải làm thế nào có được những suất cơm ngon, chất lượng, giao đúng giờ và món ăn luôn thay đổi mỗi ngày mà giá thành chỉ 35.000 đồng/suất là điều không hề dễ dàng.
"Trong 10 ngày đầu tiên, tôi bị chửi lên chửi xuống. Khách hàng gọi điện mắng te tua, bảo đổi thành cơm 90 phút đi... Nhưng đến nay, chúng tôi tự tin khắc phục được những bất cập trong việc tiếp nhận đơn, chế biến các suất ăn để tạo được khả năng giao cơm 9 phút mà vẫn đảm bảo tiêu chí cơm ngon, thơm nóng và đúng giờ với giá chỉ 35.000 đồng/suất cùng 9.000 đồng phí ship", anh Phương chia sẻ.
Theo anh Phương, lợi thế của Cơm 9 Phút là chất lượng cơm rất ngon. Cái khó lúc ban đầu là do chỉ có một món. Bài toán tiếp tục được giải khi dự án nhận được sự đồng hành của "vua đầu bếp" Phạm Tuấn Hải (52 tuổi, thành viên Hiệp hội các đầu bếp Đông Nam Á, và được bình chọn là một trong 10 đầu bếp nổi tiếng nhất Việt Nam).
Trước khi trở thành giám khảo chương trình MasterChef, đầu bếp Phạm Tuấn Hải đã có 27 năm kinh nghiệm làm đầu bếp tại các khách sạn hàng đầu ở Hà Nội, TP.HCM và chiến thắng giải thưởng bàn tay vàng do Tổng Cục Du Lịch Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về lý do đồng hành cùng Cơm 9 Phút, đầu bếp Phạm Tuấn Hải cho biết đây là tham vọng và mong muốn của mình. Ôngnói: "Tôi mong khắc phục khuyết điểm của cơm văn phòng trước nay: đến tay người dùng thì món ăn đã nguội lạnh. Khẩu vị, trang trí, bao bì.. cũng làm cho người dùng cảm thấy không được an toàn.
Do vậy, mục tiêu của chúng tôi với Cơm 9 Phút là mang tới chất lượng 5 sao nhưng phục vụ người làm văn phòng, mức giá cả bình dân nhưng vẫn phải đảm bảo nóng, thơm và đúng giờ".
Theo ông Hải, để giải bài toán trên thì dự án phải "li ti mô" từng công đoạn cụ thể, tức phải tính toán rất chi tiết khối lượng để có thể áp dụng theo khuôn một cách chính xác nhưng chất lượng phục vụ không thay đổi.
Chính vì điều này, Cơm 9 Phút mất nhiều thời gian thực nghiệm. Họ mất đến gần 10 tháng mới xong được những bước cơ bản để sẵn sàng cho ra thị trường.
Ấp ủ mở rộng bếp Việt đến thị trường toàn cầu
Nói về định hướng tương lai và mục tiêu Cơm 9 Phút hướng tới, anh Phương cho biết trước mắt công ty tập trung hoàn thiện, phát triển dự án tại Hải Phòng, phấn đấu đến năm 2024 sẽ mở rộng "chinh chiến" tại thị trường Hà Nội, TP.HCM…, hướng tới thị trường quốc tế để khẳng định giá trị bếp Việt.
"Với khả năng giao hàng cùng sự kết hợp với đầu bếp hàng đầu, chúng tôi tự tin có thể tạo ra những bữa cơm mà người dùng sẽ không còn phải băn khoăn, đắn đo xem hôm nay mình ăn gì, thay vào đó sẽ háo hức chờ đợi trải nghiệm một món ngon", anh Phương chia sẻ mục tiêu.
Sau khi thử nghiệm, chứng minh được hoạt động ở Hải Phòng đạt được điểm tối thiểu mà công ty đặt ra, lúc đó Cơm 9 Phút sẽ "bước chân" ra ngoài và chiến lược là tính đến phương án IPO trong năm 2026.
"Đây sẽ là sự trải nghiệm cho hành trình gọi vốn, xúc tiến hoạt động làm việc với các quỹ, đồng thời cũng là mô hình trải nghiệm cho start-up phải bán được hàng và gọi được vốn.
Tức là start-up phải tư duy trên cả 2 mặt trận: bán hàng nghĩa là thị trường, gọi vốn nghĩa là dòng tiền... Mô hình start-up phải đi theo hai hướng như vậy mới đạt được hiệu quả, mạnh cả về tài chính lẫn kinh doanh. Đôi khi có những start-up chỉ biết về thị trường mà không biết gọi vốn" - anh Phương chia sẻ.
Sau vài tháng xuất hiện trên thị trường, Cơm 9 Phút đã vào top 20 Techfest năm 2022 và trong những ngày cuối tháng 2-2023, dự án nhận được sự quan tâm, đầu tư của cá nhân ông Phạm Tuấn Hiệp - giám đốc BK Fund - Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa.
"Tôi đầu tư trên cơ sở niềm tin cá nhân và đội ngũ sáng lập có năng lực đổi mới sáng tạo, vượt khó để thực hiện mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng và đầy thử thách.
Cơm 9 Phút là mô hình tự nấu cơm, tự phân phối và có tiềm năng tăng trưởng nhanh, khác mô hình nấu suất ăn công nghiệp một số doanh nghiệp đang làm để cung cấp cho khu công nghiệp, cho hệ thống hàng không", ông Hiệp đánh giá.
Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt làm diễn giả tại talk-show của Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023
Talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp" dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4-2023, với chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội?". Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ cho các start-up tiêu biểu cũng sẽ diễn ra ngay sau đó.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn với trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH