Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định 9 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm của cán bộ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 14/5/2025, tại đó xác định rõ 9 biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định 9 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm của cán bộ. Ảnh minh họa: Internet
Tồn tại tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận diện đầy đủ để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những vấn đề có khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, do đó tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên trên địa bản tình vẫn còn diễn ra.
9 biểu hiện của né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ ra 9 biểu hiện của né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ nhất, không chủ động tham mưu, đề xuất, chờ phân công mới thực hiện; tham mưu không nêu rõ quan điểm, chính kiến, nhất quán về nội dung, không rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả trong công việc được giao.
Thứ hai, viện lý do để không thực hiện hoặc dẩy việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác hoặc đưa ra tập thể quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của cá nhân.
Thứ ba, khi được hỏi hoặc xin ý kiến thì không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chung chung hoặc không đúng nội dung lấy ý kiến; chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Thứ tư, một việc, một vấn đề nhưng tổ chức họp bàn nhiều lần, lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị và báo cáo nhiều lần nhưng không giải quyết được; nội dung kết luận, chỉ đạo chung chung, không quyết định, kết luận rõ ràng.
Thứ năm, khi cùng một vấn đề có quy định khác nhau thì chỉ áp dụng những quy định có lợi cho mình, đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc lệ thuộc vào các cơ quan tư vấn.
Thứ sáu, thờ ơ, vô cảm trước những khiếu nại, bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp; tự ý đặt ra các giấy tờ, thủ tục rườm rà không cần thiết hoặc trì hoãn giải quyết công việc, gây khó khăn cho công dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy, làm việc cầm chừng, tiếp nhận văn bản, nhiệm vụ mà không báo cáo hoặc chậm báo cáo, kéo dài, kém hiệu quả.
Thứ tám, người đứng đầu thiếu kiên quyết trong việc xử lý cán bộ thuộc thẩm quyền có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, có biểu hiện né tránh, xuê xoa, ngại phê bình, khi tổ chức đảng cấp trên tiến hành giám sát, kiểm tra mới phát hiện, xử lý.
Thứ chín là người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cấp phó thực hiện những nhiệm vụ khó, phức tạp thuộc trách nhiệm do mình phụ trách.
Triển khai phần mềm đo lường hiệu quả công việc (KPI) để xếp loại cán bộ
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ về quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc; cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm công việc phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; giao việc phải đúng thẩm quyền, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền", đồng thời triển khai phần mềm đo lường, đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để đánh giá, xếp loại chất lượng, cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm; kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.