Sơn La: Góp ngày công, hiến đất làm đường nông thôn giúp học sinh tới trường
Nhiều địa phương tại huyện Yên Châu (Sơn La) góp công, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường.
Đường nông giao thông nông thôn được huyện Yên Châu đầu tư xây dựng. |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), những năm qua nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân huyện Yên Châu đã tích cực tham gia hiến đất, góp ngày công cùng chính quyền địa phương xây nên những con đường bê tông khang trang, trường học kiên cố.
Xác định phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông là động lực để XDNTM, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Yên Châu đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, góp hàng trăm nghìn ngày công để mở rộng, nâng cấp và làm mới nhiều tuyến đường giao thông liên bản, liên xã. Qua đó, góp phần giúp diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng đổi thay và giàu đẹp.
Những năm qua, nhờ tích cực triển khai chương trình XDNTM, đời sống văn hóa xã hội của người dân trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã có nhiều đổi thay và từng bước phát triển. Đây là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân là chủ thể tham gia, là người thụ hưởng thành quả trên. Những con đường bê tông rộng đẹp thênh thang, trường học khang trang là niềm mơ ước bao năm của người dân, thành quả này thể hiện sự quyết tâm tạo sự đổi thay của người dân địa phương, chung tay xây dựng quê hương Yên Châu.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, nhờ sự chung tay ủng hộ của người dân hiến đất, góp công, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cơ sở hạ tầng, đường giao thông trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao lưu hàng hóa giữa các vùng. Đặc biệt, khi đường sá được xây dựng rộng, thông suốt sẽ tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường thuận lợi hơn.
Theo ông Cường, cái được lớn nhất của huyện Yên Châu chính là phong trào XDNTM, trong đó phải kể đến tiêu chí phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học. Có được kết quả này, xuất phát từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân.
Là nông dân, quanh năm chỉ quen với việc ruộng đồng, nương rẫy, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng khi nghe xã có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường, bà Lừ Thị Lan, xã Chiềng Pằn đã hiến gần 100m2 đất.
“Biết đất rất quý, nhưng tôi xác định muốn xã phát triển đi lên, mỗi người dân cần gắn trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng đường giao thông. Có đường rồi, sẽ phục vụ các học sinh, người dân đi lại từ bản đến xã và huyện được thuận tiện hơn. Suy nghĩ chỉ mong muốn con cháu trong bản có cuộc sống phát triển, vì vậy tôi tự nguyện hiến đất để làm đường”, bà Lan bộc bạch.
Đường sá, diện mạo nông thôn mới đổi thay
Nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Châu, các hộ gia đình tại các xã đã hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn đều tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất mà không hề tính toán thiệt hơn. Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, mạng lưới hạ tầng giao thông, trường học, diện mạo nông thôn mới dần đổi thay…
Em Thào Thị Ca, học sinh Trường Tiểu học - THCS Tà Làng, huyện Yên Châu cho biết: Trước đây, đường từ bản em đến trường học có nhiều ổ voi, ổ gà đi lại rất vất vả nhất là những hôm trời mưa. Nay được các cô, chú sửa lại, em và các bạn đi học thuận tiện lắm.
Ông Nguyễn Anh Văn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu cho biết, xây dựng nông thôn mới gắn với chất lượng giáo dục toàn diện của các trường học không ngừng nâng cao. Nhờ chương trình nông thôn mới, đường sá từ các bản, xã vùng sâu vùng xa được Nhà nước đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho các em học sinh tới trường thuận tiện. Phụ huynh học sinh đi làm nương rẫy, bán nông sản được giá cao hơn. Cơ sở vật chất các điểm trường tại các bản, xã được xây dựng kiên cố hóa, giúp các em yên tâm học tập.
Thời gian qua, phong trào hiến đất làm đường đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp huyện Yên Châu sớm rút ngắn quãng đường trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong tương lai không xa. Để có được niềm tin, sự chung sức, đồng lòng tham gia của người dân, một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của huyện Yên Châu trong XDNTM đó chính là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hàng loạt các chủ trương, chính sách, giải pháp từ huyện đến xã đều được tổ chức thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc XDNTM với việc phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu thông tin, để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện đã thực hiện chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Huyện kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, góp ngày công, hiến đất của người dân, phát huy sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện chung tay xây dựng đường, trường, trạm y tế… Nhờ đó, đã từng bước nâng cao mức sống của người dân.
Theo ông Cường, thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, để vận động người dân hiến hàng chục, hàng trăm mét vuông đất không phải dễ.
Tuy nhiên, với quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phối hợp nhịp nhàng với các ban ngành, đoàn thể đến tuyên truyền vận động người dân hiến đất làm đường, trường học, nhà văn hóa... Chính vì những bước làm thiết thực này, nhiều năm qua huyện đã đạt được kết quả tích cực, thực hiện tốt các kế hoạch mục tiêu đã đặt ra trong xây dựng nông thôn mới.