A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu năm 2024 đang đến rất gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng lên đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn vẫn còn một số tổ chức, cá nhân đưa thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.

Article thumbnail

Cơ quan chức năng liên tục có khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ảnh: PV

Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã rất tích cực có nhiều biện pháp, ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán mặt hàng bánh Trung thu kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các lực lượng chức năng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu. Qua đó, đã ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh Trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...

Nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có văn bản yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã đồng loạt triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng phục vụ mùa Trung thu như các loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, đồ chơi…

Tuy vậy trên thực tế, càng vào thời điểm gần Tết Trung thu, những dấu hiệu vi phạm sản xuất kinh doanh các mặt hàng này càng diễn biến phức tạp. Điển hình những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước liên tiếp phát hiện, bắt giữ lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng loạt các vụ vi phạm, tiêu hủy hàng trăm nghìn chiếc bánh Trung thu nhập lậu với trị giá hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Có thể nói những dấu hiệu vi phạm sản xuất kinh doanh các mặt hàng bánh Trung thu đang diễn biến phức tạp, khiến người tiêu dùng vô cùng băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hàng loạt vụ kiểm tra, thu giữ được các lực lượng chức năng tiến hành xử lý, nhưng những vụ vi phạm trong sản xuất và kinh doanh vẫn lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay. Nếu không có lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý, người tiêu dùng không thể biết được loại bánh nào an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đi kèm là hậu quả khó lường đối với sức khỏe khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhằm ngăn chặn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị này đã liên tục có khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn, mác, điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, bánh kẹo đã ôi thiu, mốc hỏng, hết hạn sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương bắt tay ngay vào việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, những nơi cung cấp thực phẩm, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở nhập khẩu nguyên liệu, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm 2024.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm...

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Để mỗi sản phẩm bánh Trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, người tiêu dùng cho rằng, các đơn vị, cơ sở, cá nhân sản xuất cần có ý thức, trách nhiệm trong từng khâu nguyên liệu, sản xuất và bảo quản.

Các cơ quan chức năng như y tế, công thương, quản lý thị trường... và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu, nhất là trong ngăn chặn bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, trôi nổi lưu hành trên thị trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo