Một quốc gia nằm top 4 nước đắt đỏ nhất thế giới: Du khách "đau ví" vì chi phí tiền triệu, muốn ăn bánh mì trả gần 300.000 đồng
Theo dữ liệu của World Population Review, quốc gia này đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia đắt đỏ nhất thế giới, xếp sau lần lượt là Monaco, quần đảo Cayman (lãnh thổ Vương quốc Anh) và Thuỵ Sĩ.
Iceland là vùng đất của những kỳ quan thiên nhiên, tự hào với các cảnh quan ấn tượng của sông băng, mạch nước phun và núi lửa. Nhờ đó, đất nước này còn được gọi với những biệt danh như "tiểu hành tinh", "xứ sở băng đảo" hay "vùng đất của lửa và băng".
Nhưng quốc đảo Bắc Âu này còn nổi tiếng là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới. Từ thực phẩm và chỗ ở đến giao thông vận tải, chi phi sinh hoạt ở Iceland luôn cao hơn so với nhiều nước châu Âu khác.
Gần đây, cây bút của The Richest đã khám phá 3 yếu tố góp phần vào chi phí sinh hoạt cao ở Iceland.
Iceland là một trong những điểm đến phù hợp nhất để chiêm ngưỡng cực quang. Ảnh: My Suitcase Journeys.
Bánh mì có giá gần 300.000 đồng, bữa tối tiền triệu
Ẩm thực của Iceland là sự kết hợp giữa các món ăn truyền thống, sáng tạo đương đại và ảnh hưởng của Bắc Âu. Các nhà hàng ở "xứ sở băng đảo" cung cấp nhiều món ăn từ hải sản đến thịt cừu và món độc đáo như hákarl - thịt cá mập lên men. Tuy nhiên, do chi phí sinh hoạt cao, việc dùng bữa bên ngoài có thể là tiêu tốn khoản tiền đáng kể. Một trong những yếu tố góp phần vào chi phí thức ăn cao trong các nhà hàng của Iceland là vị trí địa lý của đất nước.
Là quốc đảo ở Bắc Đại Tây Dương, hầu hết nguyên liệu ở quốc đảo này đều phải nhập khẩu, khiến giá thành thức ăn cao. Ngoài ra, khí hậu khắc nghiệt và mùa trồng trọt ngắn hạn của đất nước đã hạn chế sự đa dạng của các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, khiến trái cây và rau quả tươi trở nên đắt đỏ hơn. Ngay cả những mặt hàng tạp hóa cơ bản như bánh mì, sữa và trứng cũng có thể đắt hơn đáng kể so với các quốc gia khác.
Hákarl là món ăn nổi tiếng của Iceland, có mùi nồng. Ảnh: Fine Dining Lovers.
Chi phí lao động ở Iceland cũng cao, góp phần vào chi phí ăn uống cao. Mức lương tối thiểu ở Iceland tương đối cao và luật lao động của quốc gia này khiến người sử dụng lao động tốn kém.
Theo Full Suitcase, hầu hết bữa tối tốn ít nhất 40-50 USD (950.000-1,2 triệu đồng) và không hiếm khi bắt gặp thực đơn 3 món có giá 150-200 USD (3,5-4,7 triệu đồng) tại một nhà hàng ở thủ đô Reykjavik. Các nhà hàng thường có giá thực đơn cố định, bắt đầu từ 45 USD (khoảng 1 triệu đồng). Một chiếc sandwich ở cửa hàng tạp hoá ở nước Bắc Âu này có thể được bán với mức giá gần 1.400 ISK (khoảng 230.000 đồng).
Dù vậy thực khách vẫn có nhiều sự lựa chọn đồ ăn ngon và độc đáo. Trong đó, đặc sản ở quốc đảo này là hải sản với các món như cá hồi Bắc Cực áp chảo, cá hồi hun khói và súp tôm hùm. Thịt cừu Iceland cũng nổi tiếng với hương vị độc đáo. Du khách cũng có thể trải nghiệm các món địa phương khác như bánh mì lúa mạch đen, skyr (một loại sữa chua).
Cửa hàng tạp hoá và tiện ích là 2 trong số những chi phí đáng kể nhất đối với người dân và du khách, với mức giá cao hơn nhiều so với quốc gia khác. Phần lớn các hàng tạp hoá tại quốc đảo này được điều hành bởi một trong hai công ty Hagar hoặc Festi với đối thủ cạnh tranh là Costco của Mỹ. Các tiện ích chẳng hạn điện và sưởi ấm, cũng tương đối tốn kém do mùa đông dài và lạnh, nhu cầu sưởi ấm của người dân càng cao.
Khai trương vào năm 2009, Dill Restaurant là nhà hàng đầu tiên ở Iceland được trao tặng sao Michelin danh giá. Ảnh: AFAR Magazine.
Giao thông vận tải tiêu tốn đáng kể
Iceland là quốc gia có phong cảnh độc đáo nhưng gồ ghề, khiến việc di chuyển tại đây có thể là thách thức đối với những ai lần đầu đặt chân đến. Chi phí giao thông ở quốc đảo cũng thuộc hạng cao hàng đầu thế giới.
Nơi đây chỉ có một số thành phố lớn và phần lớn đất nước có dân cư thưa thớt, khiến việc duy trì cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay và giao thông công cộng trở nên khó khăn. Chi phí bảo trì các hệ thống này được phản ánh trong chi phí vận chuyển. Chẳng hạn, du khách thường có xu hướng thuê xe hơi để di chuyển, nhưng việc này cũng có thể tạo ra khoản chi phí đáng kể. Các công ty cho thuê ô tô ở Iceland được biết đến với mức giá cao, đặc biệt trong mùa cao điểm.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể đến tham quan "vùng đất của lửa và băng" mà không tốn quá nhiều tiền vào khoản này. Khách du lịch nên đi thành nhóm để được hưởng dịch vụ vận chuyển và các hoạt động khác với mức giá chiết khấu. Ngoài ra, họ có thể đến khám phá đất nước vào thời điểm không phải mùa du lịch, hay tận dụng giao thông công cộng hoặc đi bộ.
Nếu muốn thuê xe, du khách nên lựa chọn chiếc 4WD vì loại xe này cho phép bạn di chuyển trên mọi loại địa hình. Ảnh: Capture the Atlas.
Chi phí thuê nhà ở
Một trong những thách thức lớn nhất đối với du khách là chi phí thuê nhà và chỗ ở ở Iceland thuộc hàng cao ở châu Âu. Nhiều bất động sản ở đây thuộc sở hữu của một số công ty lớn, đẩy giá thành lên do hạn chế cạnh tranh.
Theo The World Was Here First, chi phí trung bình cho việc thuê chỗ ở tại Iceland vào khoảng 40-60 USD/người/ngày vào mùa thấp điểm. Trong mùa cao điểm, con số này có thể ở mức 60-80 USD/người/ngày (1,4-1,9 triệu đồng).
Các lựa chọn chỗ ở tại Iceland bao gồm khách sạn sang trọng cao cấp, ký túc xá bình dân và khu vực cắm trại. Để tiết kiệm tiền thuê chỗ ở, du khách có thể cân nhắc nghỉ chân tại các chỗ ở tự phục vụ như Airbnb hoặc cân hộ cho thuê. Những lựa chọn này mang đến sự ấm cúng, gần gũi và có tiện ích là nhà bếp để chuẩn bị bữa ăn.
"Vùng đất của lửa và băng" Iceland. Ảnh: Encyclopedia Britannica.