Giải cơn “khát” nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp
Giải cơn “khát” nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh (DHV) và Học viện kỹ thuật nghề Phật Sơn (Trung Quốc) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác, mở ra một mô hình đào tạo nghề mới.
Nhu cầu thực tiễn ngày càng lớn
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, có một số yếu tố đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, ghi nhận kết quả khảo sát ở kỳ báo cáo quý II/2025, trong số 5 nhóm vấn đề tác động, có tới 23,2% doanh nghiệp chế biến, chế tạo phản ánh rằng: Không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Với nhóm doanh nghiệp xây dựng, tỷ lệ không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu được ghi nhận là 14,8%. Nguyên nhân được chỉ rõ, do nguồn cung lao động tay nghề cao không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Dù số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng, nhưng phần lớn người lao động phổ thông chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng không đáp ứng yêu cầu công việc.
Cũng theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê về lực lượng lao động nước ta trong quý II/2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 29,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 29%, tăng 1,0 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.
Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi là 8,19%, cao gấp gần 4 lần tỷ lệ thất nghiệp bình quân, phản ánh thách thức về tạo việc làm chất lượng cho nhóm trẻ. Đáng ngại hơn là nhóm thanh niên NEET (not in education, employment, or training) - không học, không làm, không đào tạo, hiện có 1,35 triệu người, chiếm trên 10% tổng số người trong độ tuổi 15 - 24. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong thời đại mới.
Ngay cả với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ - đạt khoảng 29%, được ghi nhận có sự cải thiện, tăng liên tục, nhưng Cục Thống kê đánh giá: cần phải tiếp tục nâng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Cấp thiết nâng cấp các mô hình đào tạo
Những số liệu thống kê ghi nhận các phản ánh từ phía doanh nghiệp cũng như từ thực trạng người lao động, nhất là nhóm lao động trẻ, cho thấy thực tế cung - cầu trên thị trường lao động đang mất cân đối. Doanh nghiệp rất cần tuyển dụng nhân lực nhưng lực lượng lao động hiện có lại chưa đáp ứng được các yêu cầu.
Nhìn từ con số 1,35 triệu thanh niên NEET, (not in education, employment, or training) - không học, không làm, không đào tạo, bất kỳ ai cũng phải băn khoăn lo lắng.
Giải pháp cốt lõi cho vấn đề này vẫn là đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, đào tạo, dạy nghề thế nào để “khớp” với cung và cầu trên thị trường lao động là điều cần quan tâm trước nhất.
Trên thực tế hiện nay, các chương trình đào tạo thường kéo dài thời gian, mang nặng tính lý thuyết, khó đáp ứng yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Người học vì vậy không hứng thú với các chương trình học và các trường khó tuyển sinh, trong khi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn rất thường xuyên.
Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi với yêu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, một mô hình hợp tác đào tạo được công bố mới đây cho thấy nhiều điểm tích cực. Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh (DHV) và Học viện kỹ thuật nghề Phật Sơn (Trung Quốc) đã chính thức công bố các lĩnh vực hợp tác, các doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của 2 quốc gia.
Đây được coi là một giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp, phát triển mô hình kết hợp “tiếng Trung + kỹ năng nghề”, qua đó đáp ưng các yêu cầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Trong số 6 nội dung hợp tác, đáng chú ý là phát triển chương trình giáo dục không cấp bằng. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn (dưới 6 tháng) tập trung vào các lĩnh vực đang được quan tâm như: sản xuất thông minh, điện tử và công nghệ thông tin, xe năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, điện, hàn, sửa chữa cơ khí, kinh tế và thương mại,…
“Đầu ra” của đào tạo cũng được xác định tương đối rõ, với sự tham gia “đặt hàng” của 2 Tập đoàn lớn của Trung Quốc là Midea và Haier - 2 trong số các tập đoàn điện máy lớn nhất Trung Quốc.
“Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Học viện kỹ thuật nghề Phật Sơn mở ra nhiều cơ hội cụ thể hóa các chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam như Tập đoàn Midea và Haier”, TS. Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Dung, Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng chuyên sâu, dựa trên nhu cầu thực tế từ phía doanh nghiệp - trong đó chú trọng đến các lĩnh vực như kỹ thuật điện - điện tử, sản xuất thông minh, logistics, và quản trị vận hành.
Cùng với đó, chương trình hợp tác của Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh và Học viện kỹ thuật nghề Phật Sơn cũng sẽ hướng tới việc tổ chức các chương trình huấn luyện ngắn hạn, thực tập, trải nghiệm doanh nghiệp dành cho sinh viên. Quan trọng hơn, quá trình triển khai sẽ có sự đồng hành và tham gia trực tiếp của các đối tác như Midea, Haier và các doanh nghiệp Trung Quốc tại khu vực phía Nam Việt Nam.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, các cơ sở đào tạo phải tăng cường kết nối một cách thực chất hơn nữa giữa Nhà trường - Doanh nghiệp. Đồng thời, theo xu hướng “đi tắt đón đầu”, phải đẩy mạnh kết nối hội nhập quốc tế để nâng tầm chất lượng đào tạo, đáp ứng các yêu cầu nhân lực chất lượng ngày càng cao của thị trường lao động.