Địa phương đề xuất làm sân bay mới: Đừng 'chiều' nhà đầu tư bằng mọi giá!
Hiện cả nước có 10 tỉnh đề xuất bổ sung sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Dù dự thảo quy hoạch trước đó Bộ GTVT xây dựng đã loại những địa phương này ra, do không đáp ứng đủ tiêu chí. Tuy nhiên, vì vẫn có nhà đầu tư muốn làm sân bay nên địa phương lại đề xuất.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, các địa phương đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT bổ sung thêm sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La (ngoài sân bay Nà Sản đã được quy hoạch), Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh.
Khi Bộ GTVT lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch sân bay, lãnh đạo nhiều địa phương nói trên đã đưa ra đề xuất xây sân bay nhưng Bộ GTVT không đồng thuận.
Có 10 địa phương muốn đưa vào quy hoạch các sân bay mới. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Chia sẻ tại hội thảo do Bộ GTVT tổ chức ngày 4/11, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, không phải Tây Ninh thấy tỉnh khác có sân bay nên cũng đề xuất. Địa phương đề xuất quy hoạch sân bay theo nhu cầu phát triển, hội đủ các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt, nhu cầu phát triển du lịch rất lớn.
Tỉnh Quảng Ngãi thì đề xuất bổ sung sân bay mới tại đảo Lý Sơn. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, phần đất liền địa phương không cần thêm sân bay vì có sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Tuy nhiên, đảo Lý Sơn có vị trí, vai trò quan trọng với quốc phòng an ninh, nếu có sân bay sẽ đạt nhiều mục tiêu, nên đề xuất đưa vào quy hoạch.
Với sân bay Sa Pa đang chuẩn bị đầu tư, Lào Cai trở thành địa phương thứ 2 trên cả nước triển khai đầu tư sân bay theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) sau sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ thực tế làm sân bay Sa Pa cho thấy, khó nhất là chọn vị trí và nhà đầu tư; đầu tư sân bay vốn lớn, nhiều khả năng thua lỗ, địa phương phải có chính sách chia sẻ, ưu đãi khi khai thác.
Sân bay Sa Pa có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó địa phương bỏ ra 1.700 tỷ đồng, phần còn lại của nhà đầu tư. Thời gian thu hồi vốn khoảng 45 năm. Tương tự, sân bay Vân Đồn cũng cần 46 năm thu hồi vốn.
Cần nhìn tổng thể
Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tham gia xây dựng dự thảo quy hoạch sân bay) nêu quan điểm: Nếu theo Luật Hàng không dân dụng, các đề xuất mới của địa phương chỉ xây loại sân bay chuyên dùng, phục vụ riêng mỗi tỉnh và do Bộ Quốc phòng quản lý.
Do đó, không cần đưa vào quy hoạch sân bay toàn quốc. Với cảng hàng không dân dụng thì mới đưa vào quy hoạch chung, đây là những sân bay phục vụ liên vùng, liên tỉnh. Địa phương phải đạt 6 tiêu chí với 30 chỉ tiêu khác nhau mới được triển khai. Dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc được xây dựng theo những tiêu chí này. Cơ quan tư vấn đề xuất từ nay tới năm 2030 chỉ nên có thêm 5 sân bay mới (không kể Sân bay Long Thành đang xây dựng).
“Quy hoạch sân bay không phải căn cứ theo nhu cầu nhà đầu tư, mà phải căn cứ vào tổng thể phát triển cho toàn vùng và toàn xã hội. Dù có nhà đầu tư, chúng tôi vẫn phải căn cứ nhu cầu thực tế tại địa phương, khu vực để đề xuất quy hoạch, không thể lãng phí. Nhà đầu tư cần khảo sát kỹ, đánh giá, nhìn nhận bằng góc nhìn của doanh nghiệp, chứ đừng nhìn bằng “con mắt nhà tài trợ”, ông Mười nói.
Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, quy hoạch cảng hàng không, sân bay không thể đơn thuần xem như quy hoạch dự án bình thường hay khu kinh tế. Các tiêu chí đánh giá điều kiện để xây sân bay không chỉ trên mặt đất mà còn phải nghiên cứu phương thức cất/hạ cánh, vùng trời, các đường bay, kể cả hướng gió, khí hậu, thời tiết... để có đường bay ổn định.
“Với hàng không, tiêu chí an toàn là trên hết, không phải là lợi nhuận. Phải đáp ứng cả tiêu chuẩn trong nước lẫn quốc tế. Dù vậy, việc các tỉnh đề xuất đưa địa phương vào quy hoạch sân bay, có nhà đầu tư muốn làm sân bay là tín hiệu đáng mừng”, ông Hảo nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, tổ công tác của cục này đang tìm hiểu, làm việc trực tiếp với lãnh đạo từng địa phương để đánh giá, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Quy hoạch xác định, từ nay tới năm 2030, cả nước có 28 sân bay và cần hơn 403 nghìn tỷ đồng để đầu tư.
Mục tiêu bất động sản?
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, không riêng gì ông, nhiều chuyên gia kinh tế cũng thấy rằng, đề xuất làm sân bay nhỏ của các địa phương chủ yếu nhằm mục tiêu bất động sản (BĐS).
Ở nước ta, khi có một công trình lớn, lập tức BĐS xung quanh sẽ tăng giá nhiều lần, trong khi chi phí đầu tư sân bay nhỏ không quá lớn (4-5 nghìn tỷ đồng), lại được ngân sách địa phương chia sẻ.
Thực tế 22 sân bay cả nước hiện có chỉ 5-6 sân bay có lãi nhưng nhà đầu tư vẫn muốn làm thêm, rõ ràng nhà đầu tư hướng tới lợi nhuận không phải từ sân bay mà từ các thứ khác, như BĐS du lịch. Với những tỉnh xa hệ thống giao thông chính, như quốc lộ 1, đường sắt và cao tốc Bắc - Nam, thời gian đi đường bộ hết 5-6 tiếng đồng hồ thì nên có sân bay.
Tuy nhiên, những tỉnh dọc trục Bắc - Nam không nên làm thêm sân bay, vì người dân đã có các lựa chọn khác, chưa kể sau này có thêm đường sắt cao tốc.
Với đô thị sân bay, ông Đông cho rằng, trên thế giới khái niệm đô thị sân bay rất khác. Đô thị sân bay ở các nước là nơi tập trung dịch vụ hậu cần cho hàng không, các cơ sở công nghiệp, trung chuyển hàng hóa, hoặc các trung tâm mua sắm, dịch vụ nghỉ dưỡng phục vụ khách nối chuyến, không phải đô thị để ở.
Do khu vực gần sân bay ô nhiễm tiếng ồn rất lớn, chưa kể hoạt động dân cư có thể gây uy hiếp an toàn hàng không. Thực tế là vậy nhưng ở nước ta, chỗ nào có quy hoạch sân bay lập tức có nhà đầu tư tới để làm BĐS để ở, mua bán nhà đất.
* Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không lập đoàn công tác làm việc với lãnh đạo 10 địa phương có kiến nghị bổ sung sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Đoàn công tác phải báo cáo kết quả, đề xuất giải pháp về bộ trước ngày 15/11.
* Hiện cả nước khai thác 22 cảng hàng không (13 cảng quốc nội và 9 quốc tế), trong đó chỉ có 5-6 sân bay có lãi.
Theo Phạm Thanh