Chưa có CCCD gắn chip có đăng ký được tài khoản định danh điện tử không?
Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử” và là phương thức quản lý thông tin căn cước công dân (CCCD) cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Vậy trường hợp người dân chưa có CCCD gắn chip thì có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử không?
Danh tính điện tử của công dân Việt Nam bao gồm số định danh cá nhân (mã số trên CCCD), họ, tên đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký thường trú, ảnh chân dung và vân tay.
Tài khoản định danh điện tử của người dân gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Để đảm bảo tính chính xác và không thể giả mạo, tài khoản này được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.
Khác với thẻ CCCD vật lý, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Tài khoản này sẽ giúp người dân làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được đảm bảo của Bộ Công an, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định, mọi công dân đã có CCCD gắn chip được đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD. Còn đối với người chưa được cấp căn cước gắn chip, cơ quan công an sẽ trực tiếp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với CCCD.
Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử. Đối với công dân là người chưa đủ 14 tuổi hoặc người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Với tài khoản mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản gồm: Phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng). Còn với tài khoản mức độ 2, người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp gồm: Tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền).
Cũng theo Nghị định 59/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có có giá trị tương đương với thẻ CCCD hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2023, khi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã "khai tử", tài khoản định danh điện tử là một trong các phương thức thay thế loại giấy tờ thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công.