Châu Phi: Giáo dục "trắng" tước đi cơ hội của trẻ em
Trước các cuộc xung đột tại Tây Phi và Cộng hòa Trung Phi, tương lai của 2,8 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những trường học giờ chỉ còn là đống đổ nát tại châu Phi. |
Nhiều em không được đến trường và phải lao động từ rất sớm.
Trong nhiều năm qua, xung đột vũ trang diễn ra ngày một gay gắt tại châu Phi khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán và trẻ em mất cơ hội học tập. Khả năng được đi học trở lại của trẻ em tại những khu vực xung đột là rất mong manh bởi hệ thống giáo dục nói chung và các trường học là mục tiêu của các cuộc giao tranh. Một bộ phận trẻ em đã phải nghỉ học trong nhiều năm.
Hồi năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) thống kê 250 triệu trẻ em trên toàn cầu không được đến trường. Châu Phi chiếm 30% tổng số này và con số vẫn tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, các cuộc xung đột tại Tây Phi và Cộng hòa Trung Phi đã khiến hơn 14 nghìn trường học ở khu vực này đóng cửa trong năm 2024. Con số này tăng hơn một nghìn so với năm trước. Tình trạng trên khiến 2,8 triệu trẻ em châu Phi không được đi học.
TS Ibrahim Baba Shatambaya - giảng viên Đại học Usmanu Danfodiyo Sokoto, Nigeria, chia sẻ: “Bên cạnh việc bị tước quyền học tập, trẻ em châu Phi không được đến trường còn phải đối mặt với việc thiếu các phúc lợi cơ bản như thực phẩm, nước sạch, dịch vụ y tế”.
Valentine Tameh - giáo viên người Cameroon, tâm sự: “Các trường học đã bị tàn phá hoàn toàn. Giáo viên, giảng viên, nhân viên giáo dục bị đe dọa không được làm việc, bị bắt cóc, thậm chí là bạo hành, nếu cố tình giảng dạy. Chúng tôi bất lực nhìn tương lai của những đứa trẻ sụp đổ”.
Hậu quả của việc nghỉ học kéo dài không chỉ dừng lại ở kiến thức và cơ hội nghề nghiệp cho học sinh. Vì không đi học, trẻ em sẽ trở thành nạn nhân của các vấn nạn như tảo hôn, bóc lột lao động do bản thân bố mẹ cũng không còn khả năng lao động.
Phải nghỉ học vài năm vì xung đột tại Cameroon, em Angel Mbah cho biết: “Khi cuộc xung đột bắt đầu, cháu phải nghỉ học nhưng từ năm 2019, khi gia đình chuyển đến vùng Littoral, cháu được đi học lại. Bố mẹ phải làm những công việc vặt để kiếm tiền trả học phí cho cháu nhưng nhiều bạn bè cháu không có cơ hội như vậy. Một số bạn mang thai khi mới 11, 12 tuổi”.
Các chuyên gia cảnh báo nhiều năm thất học vì xung đột sẽ gây ra tình trạng giáo dục “trắng” tại châu Phi. Họ đề nghị chính phủ có biện pháp hỗ trợ trẻ em phải theo gia đình di tản, trẻ em không có cơ hội trở lại trường học. Sự tàn phá bởi các cuộc xung đột đang tiếp tục lan rộng. Nếu không có những biện pháp kịp thời, tình trạng này có thể tạo nên một thế hệ “mất mát” và bạo lực, nghèo đói tại châu Phi.
Ông Cameroon Michael Ndimancho - chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Douala chia sẻ: “Nếu bạn muốn phá hủy một quốc gia, đừng đưa cho trẻ em cây bút. Đó là thực trạng của châu Phi hiện tại khi một thế hệ trẻ em chìm trong bóng tối vì thiếu giáo dục”