Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt gần 10 tỷ USD trong 2 tháng
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, ký những hợp đồng mới để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Thông tin trong buổi gặp gỡ báo chí về kết quả trong 2 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.
Đóng góp vào kết quả này, xuất khẩu nông sản đạt 5,18 tỷ USD, lâm sản đạt 2,9 tỷ USD (hai nhóm hàng này tăng gần 60%), thủy sản đạt 1,37 triệu USD (tăng 29%).
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước như sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD (tăng 59%), cà phê đạt 1,38 tỷ USD (tăng 85%), rau quả đạt 970 triệu USD (tăng 73%), gạo đạt 708 triệu USD (tăng 50%), hạt điều đạt 595 triệu USD (tăng 68%), tôm đạt 403 triệu USD (tăng 20%). Riêng cá tra đạt 224 triệu USD (giảm gần 1%).
Đáng chú ý, cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi khi Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (2,1 tỷ USD), thị trường Trung Quốc xuống thứ hai (2,06 tỷ USD). Tiếp đến là thị trường Nhật Bản và Philippines, còn Hàn Quốc rơi xuống thứ năm. Thị trường châu Âu chiếm 42%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ cơ cấu thị trường để thấy rằng chất lượng nông sản của Việt Nam đáp ứng được các thị trường cao cấp. Ví dụ Mỹ, châu Âu, nông sản Việt đã có khởi động rất tốt, điều này cho thấy sự phục hồi của các thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã gắn với thị trường chặt chẽ hơn.
Theo ông Tiến, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... thời gian tới bộ sẽ tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông, châu Phi…
"Bộ đang chỉ đạo Tập đoàn De Hues tập trung cho xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal. Dự kiến tháng 5 tới, tập đoàn sẽ ký kết hợp tác với hai quốc gia đầu tiên để xuất khẩu. Ngoài ra, bộ cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản tập trung xúc tiến, mở cửa thị trường Halal", ông Tiến chia sẻ.
Còn với thị trường trong nước, trong tháng 2, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được bảo đảm; thị trường hàng hóa, cung - cầu trong và sau Tết nguyên đán tương đối ổn định, sức mua tăng và không có tình trạng tăng giá đột biến ; trong đó các mặt hàng thiết yếu được tiêu thụ mạnh như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trái cây,... đặc biệt các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế.
Nông sản Việt đặc sản, vùng miền gắn với các tiêu chuẩn chất lượng (GAP, VietGap, hữu cơ,...) và các tiêu chí “OCOP” ngày càng được ưu tiên lựa chọn quảng bá tiêu thụ tới người tiêu dùng bằng thương mại điện tử. Trước tết Giáp Thìn 2024, các sàn thương mại điện tử lớn đã tạo cầu nối giữa người tiêu dùng và nông sản Việt qua hình thức livestream.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, để nhiệm vụ tháng 3 đạt kết quả tốt cần tập trung giải quyết 4 hạn chế. Đó là:
Thời tiết năm 2024 dự báo thực sự không thuận lợi, chính vì vậy cần theo dõi dự báo chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất.
Dịch bệnh phải chủ động theo dõi dự báo và có giải pháp nếu dịch bệnh xuất hiện để giảm thiểu thiệt hại.
Thứ ba là tập trung đẩy mạnh xuất khẩu khơi thông thị trường.
Cuối cùng là tiếp tục tổ chức lại sản xuất để có những giải pháp hiệu quả. Theo dõi biến động thị trường quốc tế, chính sách của các nước để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.