Nhiều yếu tố tác động tỷ giá
Các chuyên gia phân tích nhận định, chênh lệch lãi suất USD/VND kéo dài và xu hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến đồng bạc xanh vẫn hấp dẫn trong nửa đầu năm 2024.
Thời gian qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giằng co khi chịu áp lực tăng nhiều hơn trong giai đoạn sau Tết. Các yếu tố tác động lên tỷ giá vừa qua cụ thể như: trên thị trường quốc tế, tâm điểm vẫn dồn vào các dữ liệu việc làm và lạm phát của Mỹ để đánh giá lộ trình giảm lãi suất của Fed trong năm 2024.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/3, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.996 VND/USD, so với đầu tuần, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD giảm 8 đồng.
Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.219 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.796 VND/USD.
Giá USD tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 24.500 - 24.870 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 50 đồng ở chiều mua vào và tăng 70 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần.
Giá đồng USD tại BIDI được niêm yết 24.545 - 24.855 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 40 đồng ở cả chiều mua vào bán ra so với đầu tuần.
Chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 102,76 điểm - giảm 0,06% so với giao dịch hôm qua.
Trên thị trường thế giới, đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ tự tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2%, và có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Ông Powell cho biết, việc cắt giảm lãi suất vẫn có khả năng xảy ra trong những tháng tới nhưng chỉ khi có thêm các bằng chứng cho thấy lạm phát đã thực sự hạ nhiệt.
Chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex Marc Chandler cho rằng, nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro hơn, bao gồm cả cổ phiếu, cũng gây áp lực lên đồng bạc xanh.
Công cụ Fedwatch của CME cho thấy, các nhà giao dịch hiện dự đoán 74% cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, so với tỷ lệ tương ứng khoảng 63% được dự đoán vào ngày 29/2. Môi trường lãi suất thấp vốn là tài sản không sinh lời và gây áp lực lên đồng USD.
Giới đầu tư cũng đang đặt cược Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 85 điểm cơ bản trong các đợt cắt giảm vào năm 2024, thấp hơn đáng kể so với dự kiến giảm 150 điểm cơ bản từng được đưa ra hồi đầu tháng 1/2024.
Đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng đến triển vọng của các công ty đa quốc gia Mỹ. Vì điều này khiến việc chuyển lợi nhuận từ nước ngoài của họ sang đồng USD trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khiến sản phẩm của các nhà xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài.
Dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường FactSet cho thấy, hơn 50% doanh thu của khoảng 25% các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500 được tạo ra bên ngoài nước Mỹ.
Sức mạnh của đồng USD cũng có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương khác, vì nó làm cho đồng nội tệ của họ rẻ hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phản đối các cuộc đàm phán cắt giảm lãi suất do lạm phát khó kiểm soát. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách của Eurozone có thể trì hoãn việc giảm lãi suất hơn nữa có thể thúc đẩy đồng euro và gây thiệt hại cho đồng USD.
Một cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Reuters cho hay trong khi giới chuyên gia vẫn đa phần dự báo đồng USD sẽ suy yếu trong thời gian còn lại của năm 2024, khoảng 80% tin rằng đồng tiền này có thể vượt mục tiêu giá của họ.
Ông Paul Mielczarski, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại công ty dịch vụ đầu tư Brandywine Global, coi sự phục hồi gần đây của đồng USD giống như một "sự phục hồi dựa trên chiến thuật đầu tư thay vì phản ánh sự thay đổi trong xu hướng cơ bản của thị trường.